"Vạch mặt" hóa thạch 280 triệu năm đầy bí ẩn hóa ra là đồ dỏm
Các nhà khảo cổ học đã tìm ra sự thật đằng sau bí ẩn lâu nay vẫn bủa vây một hóa thạch bò sát 280 triệu năm tuổi: đây là đồ dỏm.
Kết quả phân tích hóa thạch của loài bò sát có tên khoa học là Tridentinosaurus antiquus cho thấy phần được cho là mô mềm từ thời cổ đại và được bảo quản tốt hóa ra chỉ là sơn màu đen, theo báo cáo đăng trên chuyên san Palaeontology.
Hóa thạch của loài động vật giống thằn lằn, chiều dài khoảng 20 cm, được tìm thấy trên dãy Alps thuộc Ý vào năm 1931 và từ đó đến nay luôn được xem là phát hiện quan trọng có thể cho phép tìm hiểu cách thức loài bò sát tiến hóa.
Hóa thạch được phát hiện vào năm 1931. (Ảnh: PALAEONTOLOGY).
Với đường viền cơ thể mẫu vật có màu đen so với nền đá xung quanh, hóa thạch lâu nay được các nhà nghiên cứu cho rằng được bảo quản tốt nhờ vào quá trình hóa thạch gọi là carbon hóa. Đây là quá trình thường diễn ra ở thực vật nhưng hiếm khi nào xuất hiện ở động vật.
Điều này khiến giới khoa học liệt Tridentinosaurus antiquus vào nhóm gọi là Protorosauria. Còn phần da được cho là hóa thạch thu hút sự quan tâm đông đảo của các nhà nghiên cứu.
Tuy nhiên, nhiều nhà cổ sinh vật học vẫn không thể đưa ra lời giải thích về những đặc điểm kỳ lạ của hóa thạch.
Giờ đây, một đội ngũ các nhà nghiên cứu ở Ireland và Ý đã tiến hành phân tích hóa thạch bằng kỹ thuật chụp ảnh UV, cho phép tiết lộ vật liệu phủ bên ngoài mẫu vật.
Kết quả phân tích dưới kính hiển vi phát hiện đường viền bao quanh cơ thể Tridentinosaurus antiquus được tạo ra bằng một loại sơn màu đen nhân tạo chứ chẳng phải mô mềm ở động vật.
Dựa trên báo cáo mới, đội ngũ nghiên cứu kêu gọi giới cổ sinh vật học hãy thận trọng trong việc sử dụng hóa thạch cho các dự án nghiên cứu trong tương lai.
- Phát hiện hóa thạch gia đình Neanderthal đầu tiên trong hang động Nga
- Bất ngờ phát hiện hóa thạch khoảng 200 triệu năm tuổi tại Gia Lai
- Những xác chết dị hợm của "nàng tiên cá"