Ve sống cộng sinh trên gián gió có thể giảm nguy cơ dị ứng cho người
Theo một nghiên cứu mới đây, những con ve tí hon sống trên bề mặt cơ thể loài gián gió Madagasca giúp làm giảm sự hiện diện của mốc, từ đó giảm được các phản ứng dị ứng ở những người nuôi loài côn trùng này.
Các nhà khoa học đã nuôi cấy và xác định số lượng nấm mốc sống trên bề mặt cơ thể gián gió trong hai trường hợp có và không có ve sống cộng sinh, từ đó phát hiện ra rằng sự có mặt của những con ve này làm giảm lượng nấm mốc đi ít nhất 50%.
Cũng các nhà khoa học này cách đây một năm báo cáo rằng có 14 loại nấm mốc sống trên hoặc quanh loài gián này, bao gồm cả một vài loài có liên quan tới dị ứng và là trung gian truyền bệnh nếu như chúng xâm nhập được vào phổi hay vết thương hở miệng của con người.
Ve sống cộng sinh ăn nước bọt và các mảnh vụn hữu cơ thu nhặt được giữa các chân của con gián, làm mất đi nguồn thức ăn nuôi các loài nấm mốc trên cơ thể gián. Ve không trực tiếp ăn nấm mốc.
“Chúng tôi chưa chứng minh được rằng điều này giúp ích cho cơ thể gián, nhưng nhìn chung giảm được nấm mốc trên bề mặt cơ thể chúng là một điều tốt,” Joshua Benoit, nghiên cứu sinh tiến sĩ ngành côn trùng học tại đại học Ohio, một trong các tác giả của nghiên cứu, phát biểu.
“Với khả năng tiêu diệt nấm mốc, ve có vai trò nhất định trong việc làm giảm các phản ứng dị ứng trên gián.”
Nghiên cứu được trình bày trên ấn bản gần nhất của tờ Symbiosis.
Loài gián gió Madagasca còn có tên khoa học là Gromphadorhina portentosa. Cơ thể chúng khi trưởng thành có kích thước 2-3 inch chiều dài, 1 inch chiều rộng (1 inch = 2,54 cm). Chúng phát ra tiếng huýt gió khi vật khác chạm vào hay khi có cảm giác bị đe dọa. Bản tính hiền hòa, kích thước lớn, tiếng kêu lạ và ít đòi hỏi công sức chăm sóc đã khiến loài này trở thành một con vật nuôi phổ biến và được sử dụng rộng rãi trong giảng dạy từ nhiều năm nay.
Khi Benoit và các đồng nghiệp phát hiện ra các nấm mốc trên bề mặt loài gián này trong một nghiên cứu trước đó, họ đã khuyến cáo mọi người rửa tay sau khi chạm vào gián, và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ lồng nuôi luôn sạch sẽ. Và bởi ve không làm nấm mốc hoàn toàn biến mất, các nhà nghiên cứu tới nay vẫn tiếp tục khuyến cáo những người nhạy cảm với nấm mốc cần thận trọng khi tiếp xúc với loài gián gió Madagasca.
Không phải tất cả các đàn gián gió Madagasca đều mang ve trên người, loài Gromphadorholaelaps schaeferi là một ví dụ. Nguyên nhân vì sao vẫn là một điều bí mật đối với các nhà nghiên cứu. Nhưng điều họ chắc chắn là những con gián có ve sống trên mình sẽ ít có nấm mốc hơn.
Trong nghiên cứu, các cơ thể gián cái nơi ve sống có ít hơn 64% nấm mốc so với cơ thể không có ve. Con số này ở gián đực là 31%; ở ấu trùng và cơ thể gián non là 24%.
Để kiểm nghiệm kết luận trên, các nhà nghiên cứu đã làm thí nghiệm trên các đàn gián có và không có ve sống, đồng thời loại bỏ ve khỏi những đàn mà chúng đang sống, cũng như đưa ve vào sống trên những cơ thể gián ban đầu không có ve. Trong tất cả các trường hợp, sự hiện diện của ve đều làm giảm mật độ nấm mốc.
Những con ve này có kích thước chỉ 1 milimet; chúng sống trên cơ thể loài gián gió Madagasca. (Ảnh: Trường Đại học bang Ohio) |
Các loại nấm mốc phổ biến được tìm thấy trên cơ thể gián gió Madagasca là Rhizopus, Penicillium, Mucor, Trichoderma and Alternaria, một vài tên trong số này đã được Trung tâm Phòng tránh và Kiểm soát Bệnh (CDC) liệt kê vào danh sách nấm mốc sống trong nhà.
“Sự có mặt của ve làm giảm số lượng không chỉ một vài, mà tất cả các loại nấm mốc trên cơ thể gián,” Jay Yoder, giảng viên sinh học tại đại học Wittenberg, tác giả đứng đầu nghiên cứu cho biết.
Có khoảng 20 tới 25 cá thể ve sống trên mỗi con gián trưởng thành. Các nhà khoa học đã thử đưa thêm ve vào bề mặt một cơ thể gián, nhưng việc này không đem lại kết quả, thêm ve không làm giảm nấm mốc.
“Số lượng cá thể ve trên mỗi con gián được xác định trên lượng thức ăn đang có,” Benoit nói.
Trong tình trạng bị giam nhốt, gián gió Madagasca sống tốt nhờ hoa quả và thức ăn dành cho chó. Benoit nói chúng có xu hướng tự rớt dãi ra cơ thể khi ăn, để lại nước bọt và các mảnh vụn hữu cơ ở các khe dọc theo phần giữa phía dưới cơ thể - và đây chính là nguồn thức ăn của ve. Ve có nhu cầu đặc biệt về độ ẩm trong thức ăn, chúng ăn hết nước và các chất dinh dưỡng mà nấm mốc cần để hình thành và phát triển.
Ve cũng có được một phần độ ẩm cần thiết từ các lỗ thở của gián. Loài ve này không thể sống ở đâu khác ngoài bề mặt cơ thể gián gió Madagasca. Các tín hiệu hóa học phát ra từ một ấu trùng gián đang lớn lên sẽ cho biết đó là một vật chủ đủ lớn để một đàn ve sinh sống. Khi một con gián chết đi, những con ve từng sống trên cơ thể nó sẽ bò vô định trên xác gián cho đến khi chính chúng cũng chết theo.
Ve có ích lợi trực tiếp nào đối với gián hay không, điều này vẫn chưa được làm rõ. Nhưng ít nhất người ta cho rằng chúng không gây hại. “Những con ve sống trên cơ thể gián không gây ra bất kì ảnh hưởng tiêu cực nào. Chúng không cản trở sự phát triển của gián, và không ăn bám dinh dưỡng của gián,” Benoit nói.
Hiện tại, các nhà khoa học miêu tả quan hệ cộng sinh này là hội sinh (commensalisms) hơn là hỗ sinh (mutualism), trong đó một loài rõ ràng có lợi, còn loài kia cũng không chịu bất kì thiệt hại nào.