Vị cứu tinh thầm lặng của đại dương
Các nhà hải dương học người Italy khẳng định virus dưới đáy đại dương tạo nên cái gọi là "vòng tuần hoàn carbon" để duy trì cuộc sống của các sinh vật biển và làm chậm lại quá trình ấm lên toàn cầu.
Trong vòng tuần hoàn carbon, những vi tảo ở mặt biển hấp thụ carbon dioxide (CO2) từ bầu khí quyển. Những sinh vật cực nhỏ ấy được gọi là prokaryote.
Rất nhiều prokaryote bị nhiễm những loại virus có sẵn trong tự nhiên. Khi chết đi, những phần cơ thể giàu carbon của chúng bị phân hủy, chìm dần xuống đáy biển và trở thành thức ăn cho vi khuẩn. Như vậy, các prokaryote trở thành một phần trong chuỗi thức ăn dưới đại dương.
Giới khoa học từ lâu cho rằng những virus trên bề mặt đại dương đóng một vai trò kép: vừa tiêu diệt thực vật lại vừa duy trì sự tồn tại của chúng.
Tuy nhiên, các bằng chứng mới cho thấy những vi khuẩn nhỏ xíu cũng góp phần vào việc tạo nên một hệ sinh thái khổng lồ chưa được khám phá dưới đáy đại dương - một nơi tối tăm, nguy hiểm và nghèo chất dinh dưỡng.
Một nhóm chuyên gia hải dương của Đại học Bách khoa Marche (Italy) thu thập và sàng lọc nhiều mẫu trầm tích từ một số địa điểm dưới đáy đại dương trên khắp thế giới, từ độ sâu 183 m tới 4.603 m.
"Kết quả khiến chúng tôi kinh ngạc. Ở độ sâu trên 1.000 m, prokaryote chiếm tới 90% tổng số thực vật. Quan hệ tương tác giữa virus và prokaryote dưới đáy đại dương diễn ra rất mạnh mẽ. Sự tương tác này giúp hệ sinh thái dưới đáy tồn tại độc lập mà không cần tới nguồn dưỡng chất từ mặt nước. Đó là kiểu cơ chế tự duy trì", tiến sĩ Roberto Danovaro, trưởng nhóm nghiên cứu, phát biểu.
Theo tiến sĩ Roberto, con người là một trong những chủ thể được hưởng lợi từ cơ thế này, bởi dưỡng chất dưới đáy biển nuôi sống hải sản.
Một câu hỏi nữa: Virus có vai trò gì trong quá trình nóng lên của khí hậu Trái Đất?
Mỗi năm các đại dương hấp thụ hàng tỷ tấn CO2 từ không khí. Vì thế, có thể nói chúng đóng vai trò là tấm đệm đối với những chất khí gây hiệu ứng nhà kính mà con người thải ra. Sau khi các vi tảo chết, lượng carbon trong cơ thể chúng sẽ bị thực vật dưới đáy đại dương hấp thụ, nhờ đó mà carbon không thể quay trở lại bề mặt đại dương cũng như khí quyển.
Theo kết quả nghiên cứu của Roberto và cộng sự thì virus là dạng sống có số lượng lớn nhất ở các đại dương. Mỗi năm chúng "thôn tính" khoảng 630 triệu tấn carbon trên toàn thế giới.