Vi khuẩn từ đáy đại dương giúp điều trị ung thư tuyến tiền liệt
Loại thuốc nhạy cảm với ánh sáng được tạo từ vi khuẩn đáy biển sẽ được tiêm vào mạch máu người bệnh để điều trị ung thư tuyến tiền liệt mà không cần phải phẫu thuật.
Vi khuẩn sống dưới tầng đáy đại dương được phát hiện như một phương pháp chữa trị bệnh ung thư tuyến tiền liệt và có thể thay thế cho những phẫu thuật gây hại trong tương lai.
Việc điều trị không phẫu thuật được thực hiện bằng cách tiêm loại thuốc nhạy sáng vào mạch máu người bệnh. Sau đó loại thuốc này được kích hoạt bởi laser để phá hủy tế bào ung thư tuyến tiền liệt.
Loại thuốc nhạy sáng có nguồn gốc từ vi khuẩn ở dưới đáy đại dương, được thử nghiệm điều trị cho 413 bệnh nhân có nguy cơ thấp mắc ung thư tuyến tiền liệt, 49% trong số họ đã thuyên giảm.
Giáo sư Mark Emberton, trưởng khoa Khoa học Y tế của Đại học London nói rằng, với phát hiện mới này có thể sẽ không cần phải giải phẫu cắt bỏ tuyến tiền liệt trong tương lai. (Ảnh: Đại học London).
Giáo sư Mark Emberton, trưởng khoa Khoa học Y tế của Đại học London, người dẫn đầu bài nghiên cứu, mô tả phương pháp mới như một bước đột phá lớn, có thể giúp bệnh nhân ung thư tuyến tiền liệt không phải thực hiện phẫu thuật gây hại để loại bỏ tuyến tiền liệt của họ.
Giáo sư Emberton so sánh phát hiện này với nghiên cứu bệnh ung thư vú, giúp giảm đi sự cần thiết của việc cắt bỏ vú.
Tia laser đã được chứng minh để loại bỏ các khối u ung thư tuyến tiền liệt bằng cách phản ứng với loại thuốc nhạy sáng có nguồn gốc từ vi khuẩn dưới đáy biển sâu.
"Kết quả là tin tức tuyệt vời cho những người đàn ông bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn đầu, cung cấp một cách điều trị có thể giết chết ung thư mà không cần loại bỏ hoặc phá hủy tuyến tiền liệt", Giáo sư Emberton phát biểu trên tạp chí của trường đại học.
Công ty công nghệ sinh học STEBA Biotech ở Luxembourg đã tài trợ cho nghiên cứu sử dụng thuốc nhạy sáng và tia laser để tiêu diệt các khối u. (Ảnh đồ họa quá trình trị liệu: STEBA Biotech).
"Vào năm 1975, gần như tất cả mọi người bị ung thư vú đều được đưa ra giải pháp là giải phẫu cắt bỏ vú hoàn toàn, nhưng kể từ khi phương pháp điều trị ổn định được cải thiện, đến nay chúng ta hiếm khi phải cắt bỏ toàn bộ vú khi điều trị bệnh ung thư này", ông nói: "Trong ung thư tuyến tiền liệt, chúng ta vẫn thường loại bỏ hoặc chiếu xạ toàn bộ tuyến tiền liệt, nên thành công của việc điều trị bảo quản mô mới này là tin tức thật sự đáng mừng".
Phát hiện này được công bố trên tạp chí y khoa Lancet Oncology.