Vì sao châu chấu sa mạc không thể diệt?
Sau khi tàn phá mùa màng ở Đông Phi và Trung Đông, những đám mây châu chấu tiếp tục di chuyển sang nhiều khu vực, thậm chí chúng buộc nhiều máy bay phải chuyển hướng.
Các thiết bị giám sát vệ tinh cho biết, nạn châu chấu sa mạc vẫn đang gây hại ở lục địa châu Á khi đổ bộ tới Yemen, Iran, Pakistan và Ấn Độ đe dọa an ninh lương thực hàng chục triệu người. Mặc dù, giới chức Iran báo cáo đã phải sử dụng thuốc trừ sâu liều cao để diệt trừ và tạo ra một lớp châu chấu chết cao tới 15 cm ở nhiều vùng trồng trọt.
Thời tiết và điều kiện khí hậu thay đổi khiến nạn châu chấu sinh sôi nhanh. (Ảnh: AFP/getty).
Mehari Tesfayohannes, trưởng bộ phận thông tin dự báo của Tổ chức Kiểm soát châu chấu sa mạc Đông Phi chia sẻ: “Mặc dù tôi đã từng trải qua nhiều đợt đối phó với dịch hại châu chấu nhưng năm nay thực sự là chúng sinh sôi nhiều bất thường. Rất có thể do điều kiện thời tiết và khí hậu bất thường vừa qua chính là điều kiện hoàn hảo cho sự bùng nổ của loài côn trùng hung dữ này.
Đặc biệt là chúng đã xâm hại vào tại một thời điểm khó khăn nhất đối với nhiều quốc gia nghèo đói, xung đột và đại dịch Covid-19. Do vậy, một cuộc khủng hoảng nhân đạo ở phía trước có thể xảy ra bất cứ lúc nào”.
Bản đồ nhiệt mô tả nạn châu chấu sa mạc ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á tháng 5/2020. (Đồ họa: FAO)
Tại sao châu chấu sinh sôi mạnh? Các nghiên cứu cho thấy, một số loài châu chấu hoàn toàn có thể biến đổi để thích nghi theo các điều kiện tự nhiên khác nhau. Trong số 7.000 loài thì có chừng 20 loài đúng nghĩa được ghi nhận ở khắp các lục địa, ngoại trừ Nam Cực.
Loài xuất hiện thành bầy đàn gần đây ở châu Phi và châu Á chính là châu chấu sa mạc (Schistocerca gregaria), chúng vốn trước đây là loại sống đơn độc nhưng khi gặp điều kiện môi trường lý tưởng lại sinh sôi bùng nổ.
Bằng chứng là các nghiên cứu sâu trong một khoảng thời gian dài cho thấy, loài này đã bất ngờ thay đổi thói quen cũ và bắt đầu di chuyển, hoạt động theo hướng bầy đàn hơn là những cá thể riêng biệt như cũ.
Châu chấu sa mạc có thể biến đổi hình dạng và màu sắc theo thời tiết và khí hậu. (Ảnh: JEB).
Dự báo của FAO, tại các quốc gia ở Đông Phi, trong đó bao gồm một phần của Somalia, Kenya và Ethiopia hiện lứa châu chấu sa mạc mới đang chuẩn bị nở kéo dài đến hết tháng 6. Nếu điều kiện vẫn thuận lợi và hoạt động kiểm soát không hiệu quả sẽ tạo ra một “làn sóng khác” có thể tàn phá khu vực này từ tháng 9 đến tháng 12 năm nay và cũng có thể phát sinh thường xuyên hơn trong những năm tới.
Chúng không chỉ thay đổi đặc tính mà còn thay đổi cả màu sắc và kích thước, khi chuyển từ màu xanh lá cây hoặc màu nâu đốm sang màu vàng rực.
Hình dạng bên ngoài của chúng cũng nhỏ hơn, trong khi não bộ lại lớn hơn trong quá trình tiến hóa. Những thay đổi về hành vi có thể xảy ra chỉ trong vòng vài giờ, trong khi những thay đổi vật lý cần nhiều thời gian hơn.
Ở giai đoạn mới này, châu chấu sa mạc hình thành bầy đàn với khoảng 150 triệu cá thể trên mỗi km vuông và có sức tàn phá khủng khiếp, tương đương với một lượng thực phẩm của 35.000 người mỗi ngày.
Điều này đã được FAO tính toán trên bình diện rộng khi châu chấu sa mạc gây hại trên quy mô 2.400 cây số vuông ở nhiều nơi, kể từ đầu năm đến nay.
Loài dịch hại lây qua không khí này có thể di chuyển với vận tốc hơn 161 km mỗi ngày theo chiều gió và đi tới đâu là để lại hậu quả ngay tới đó bằng chính các thảm thực vật trên đường đi của chúng.
Quy mô, tốc độ và sự tàn phá của châu chấu sa mạc đã khiến chúng trở thành mối nguy đối với nền nông nghiệp thế giới.
Ở những quốc gia nghèo châu Phi, ngoài việc phun thuốc trừ sâu, có rất ít lựa chọn để hạn chế sự lây lan của châu chấu sa mạc. (Ảnh: AFP/getty).
Nhà côn trùng học Hojun Song ở Đại học Texas A&M (Mỹ) nói về loài này: “Chúng không kiêng dè bất kỳ địa chính trị nào khi dễ dàng xâm nhập vào từng lãnh thổ qua đường biên giới”.
Nguyên nhân bùng nổ dịch họa châu chấu sa mạc theo chuyên gia Viện nghiên cứu quốc tế về khí hậu và xã hội (Đại học Columbia) Muhammad Azhar Ehsan là do lượng mưa lớn và bão Amphan đã kích hoạt thêm sự sinh sôi. Điều này một phần là do những thay đổi bất thường trong vòng nhiều thập kỷ về độ dốc nhiệt ở vùng lưỡng cực Ấn Độ Dương trong năm 2019.
Đại dịch Covid-19 đang khiến cho việc ngăn chặn châu chấu sa mạc cực kỳ khó khăn và nguy cơ cao gây ra các thảm họa kép. (Ảnh: Xinhua).
Keith Cressman, chuyên gia dự báo châu chấu của FAO cho biết, chìa khóa chính là phát hiện sớm loài này ngay từ khi chúng còn chưa phát triển bộ cánh sẽ dễ kiểm soát hơn.
Nghiên cứu cho thấy, trong giai đoạn tháng đầu tiên trưởng thành tàn phá cây trồng và đẻ trứng rồi nở theo cấp số nhân, gấp 20 lần mỗi thế hệ. Đây thực sự là một chu kỳ rất khó phá vỡ nên việc giám sát, đánh chặn từ xa là một phần quan trọng trong chiến lược kiểm soát châu chấu.
“Nếu không có phương án thì vấn đề giống như một đám cháy lớn bùng phát ở nơi không có lực lượng cứu hỏa”, ông Cressman nói.
- "Cơn bão châu chấu kinh hoàng" mù trời giữa ban ngày ở Ấn Độ
- Hàng trăm triệu con châu chấu "tấn công" châu Phi, hủy diệt mùa màng
- Sự thật có thể bạn chưa biết: Kiến về tổ bằng cách đếm bước chân