Vì sao giới siêu giàu đua nhau xây "hầm tận thế"?

Theo tạp chí The Nation của Mỹ, bất động sản chống tận thế hiện là một ngành sinh lợi và tăng trưởng ổn định.

Những công ty chuyên cung cấp dịch vụ này như Vivos và Rising S kiếm lời hàng triệu USD mỗi năm nhờ vào việc xây dựng hầm trú ẩn sang trọng cho giới siêu giàu, còn được gọi là hầm tận thế.


Bể bơi bên trong hầm trú ẩn tận thế Oppidum - (Ảnh: COURTESY OF THE OPPIDUM).

Nổi bật nhất phải kể đến dự án Oppidum ở thành phố Praha, Cộng hòa Czech với diện tích hơn 30.000m2.

Nơi này ban đầu là một khu phức hợp quân sự được thiết kế làm nơi trú khỏi bụi phóng xạ của chính phủ. Vào năm 2015, doanh nhân Jakub Zamrazil đã mua lại và sửa đổi nó thành hầm trú ẩn tận thế sang trọng với hầm rượu, sân vườn, phòng trưng bày nghệ thuật, rạp chiếu phim và bể bơi.

Gần đây nhất, truyền thông phương Tây đưa tin Mark Zuckerberg (cha đẻ của mạng xã hội Facebook) cùng các tỉ phú ở Thung lũng Silicon cũng đang xây dựng hầm trú ẩn, chuẩn bị cho ngày tận thế hoặc sự kiện mang tính chất diệt vong.

Tuy nhiên, trong cuốn sách Survival of the Richest: Escape Fantasies of the Tech Billionaires xuất bản vào ngày 6-12-2022, nhà lý luận truyền thông người Mỹ Douglas Rushkoff lập luận rằng các tỉ phú thực chất đang tìm cách thoát khỏi thế giới do chính họ tạo ra.

Đó là thế giới nơi con người tôn sùng, phục tùng và phụ thuộc hoàn toàn vào công nghệ. Đây là hậu quả của tình trạng “độc quyền công nghệ”.

Độc quyền công nghệ xảy ra khi những gã khổng lồ công nghệ trên thế giới sử dụng lợi thế riêng để giảm áp lực cạnh tranh, khiến giá dịch vụ tăng lên nhưng chất lượng thì giảm xuống.

Các tỉ phú sẽ giàu lên nhanh chóng trong khi người dùng dần phụ thuộc vào những dịch vụ này.

Đó là lý do tại sao tỉ phú Elon Musk tìm cách đưa con người lên sao Hỏa, Jeff Bezos nghiên cứu cách đưa ngành công nghiệp nặng lên quỹ đạo, Mark Zuckerberg phát triển thế giới ảo metaverse hoặc Ray Kurzweil muốn chuyển ý thức vào kho lưu trữ dữ liệu bằng công nghệ điện toán đám mây.

Trong trường hợp thảm họa ập đến, họ sẽ là những người sống sót cuối cùng và tự do định hình lại thế giới mới theo mong muốn.

Đây là một mô thức tư duy độc hại, ông Rushkoff khẳng định.

Theo ông Rushkoff, giới siêu giàu còn tận dụng khủng hoảng để kinh doanh thay vì nghiên cứu giải pháp. Trong đó có TED Talk - những buổi hội thảo do Công ty truyền thông TED sản xuất.

Thông thường, công thức của TED Talk là: diễn giả xác định vấn đề, dẫn dắt người nghe nhìn nhận vấn đề dưới một góc độ hoàn toàn mới, phát triển ý tưởng kinh doanh từ vấn đề và tìm cách thuyết phục nhà đầu tư mạo hiểm bỏ vốn.

Ngoài ra còn có trường hợp ý tưởng kinh doanh bị mua lại hoặc cướp mất.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất