Oreo xây hẳn hầm kiên cố để lưu trữ bánh quy và công thức sản xuất vì lo sợ... tận thế?
Hầm lưu trữ mẫu bánh quy và công thức sản xuất của Oreo được thực hiện theo... gợi ý của cư dân mạng.
Dựa theo những thông tin đã được công bố công khai, Na Uy là khu vực có nhiều hầm tận thế nhất thế giới, lưu giữ những công trình, sản vật quan trọng của nhân loại. Trong đó, nổi tiếng nhất phải kể đến Svalbard Global Seed Vault (SGSV) - hầm bê tông được chôn vùi dưới lớp băng giá ngàn năm nằm sâu trong các rặng núi hùng vĩ. Căn hầm này lưu trữ hơn 1 triệu mẫu hạt giống quan trọng, đề phòng địa cầu có thảm hoạ diệt vong xảy ra.
Tuy nhiên cuối tháng 10, một căn hầm tận thế khác đang trở thành tâm điểm bàn tán trên truyền thông quốc tế vì nguyên do đặc biệt. Đó là công trình hầm lưu trữ mẫu bánh quy và công thức sản xuất của Oreo - hãng bánh ngọt nổi tiếng hàng đầu thế giới. Và lý do công trình này ra đời lại từ… gợi ý của cư dân mạng trên Twitter.
Theo đó, một cư dân mạng đã tweet thắc mắc liệu nếu Trái Đất xảy ra va chạm với thiên thạch/ tiểu hành tinh thì ai sẽ bảo vệ những chiếc Oreo? Bình luận này đã khiến các nhà lãnh đạo của công ty nảy ra ý tưởng xây hầm tận thế, tránh tình huống xấu đó sẽ xảy ra.
Căn hầm bê tông vững chãi của Oreo được xây dựng trên quần đảo Svalbard, Na Uy, cách không xa khu hầm lưu trữ hạt giống. Theo đó, để tránh tình huống xấu nhất xảy ra, các mẫu bánh Oreo được bọc kính bằng sợi mylar, chống chịu nhiệt độ từ -80 độ đến 300 độ F (-82 độ C - 150 độ C), không thấm nước và chống phản ứng hoá học, chống ẩm. Cách bảo quản này sẽ giúp cho bánh Oreo được kéo dài nhiều năm so với hạn sử dụng thông thường.
Căn hầm nằm sâu trong vùng băng tuyết.
Trước thông tin này, nhiều người dùng Internet thế giới đã đánh giá công ty lo xa quá mức, vì khả năng xảy ra va chạm gần nhất rất thấp. Một vài người còn hoài nghi liệu đây có phải chiêu trò marketing khác của công ty cho những chiến dịch sắp tới? Dù thế nào thì căn hầm cũng đã trở thành tâm điểm bàn tán một thời gian.