Khám phá "hầm tận thế" dự trữ gần 100.000 hạt giống ở Hàn Quốc
Nằm trong đường hầm được thiết kế chống bom hạt nhân, hạt giống của gần 5.000 loài thực vật đang được lưu giữ ở Hàn Quốc để đề phòng biến đổi khí hậu, thiên tai và chiến tranh.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo sự tuyệt chủng ở thực vật đang diễn ra với tốc độ đáng báo động.
Nguyên nhân của nạn tuyệt chủng đến từ việc gia tăng dân số, ô nhiễm và tàn phá rừng. Bởi vậy, trong thời gian qua, các “hầm tận thế" lưu giữ hạt giống của thế giới bắt đầu được xây dựng.
Tại Hàn Quốc, Trung tâm Bảo tồn Hạt giống Vườn ươm Quốc gia Baekdudaegan hiện bảo quản gần 100.000 hạt giống từ 4.751 loài thực vật để đảm bảo chúng không bị ảnh hưởng bởi "các sự kiện tận thế".
Bên ngoài Trung tâm Bảo tồn Hạt giống Vườn ươm Quốc gia Baekdudaegan, tỉnh Gyeongsang Bắc. (Ảnh: AFP).
Ông Lee Sang-yong, người đứng đầu trung tâm cho biết đây là một trong hai nơi lưu giữ hạt giống trên thế giới hiện nay.
Không giống như các ngân hàng hạt giống thông thường, nơi mẫu vật thường xuyên lấy ra cho các mục đích khác nhau, hạt giống trong hầm sẽ nằm tại đây vĩnh viễn, chỉ được sử dụng vì mục đích ngăn chặn sự tuyệt chủng.
Nơi an toàn nhất Hàn Quốc
Hầm lưu giữ hạt giống được Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc thiết kế như một cơ sở an ninh được bảo vệ nghiêm ngặt, bao quanh bởi hàng rào dây thép và hàng chục camera. Cảnh sát thường xuyên tuần tra trong khu vực và việc quay phim, chụp ảnh bị hạn chế.
Bên trong, một thang máy sẽ dẫn xuống lòng đất với độ sâu khoảng 8 tầng, để đến đường hầm bê tông trong hang động, nơi có các cánh cửa thép nặng bảo vệ phòng lưu trữ.
Phòng lưu trữ sẽ được giữ ở nhiệt độ -20 độ C với độ ẩm 40% để bảo quản hạt giống.
Ông Lee cho biết hầm chứa được xây dựng ở "nơi an toàn nhất" ở Hàn Quốc, được thiết kế để chống lại trận động đất 6,9 độ và thậm chí là một vụ tấn công nguyên tử.
"Về mặt địa lý, nó rất an toàn", ông Lee nói. "Chúng tôi đã mở một đường hầm sâu 46 m dưới lòng đất để đảm bảo hạt giống an toàn trước chiến tranh và các mối đe dọa hạt nhân".
Các mẫu hạt giống trong hầm phần lớn là thực vật đến từ bán đảo Triều Tiên. Bên cạnh đó, với sức chứa 2 triệu hạt, nhiều quốc gia như Kazakhstan và Tajikistan cũng nhận đề nghị, gửi các chủng loại hạt giống tới kho bảo tồn này.
Các quốc gia gửi hạt ở đây sẽ có quyền sở hữu với những hạt giống đó và có thể nhận lại khi cần thiết.
Một nhà nghiên cứu đang trồng thử nghiệm tại bộ phận nghiên cứu hạt giống cây hoang dã. (Ảnh: AFP).
Tuy nhiên, ông Lee nhận định: "Mục đích của hầm lưu trữ hạt giống là ngăn chặn sự tuyệt chủng của chúng. Vì vậy, kịch bản tốt nhất là hạt giống không bao giờ phải mang ra ngoài".
“Chạy đua với thời gian"
Các nhà nghiên cứu cho biết việc bảo tồn hạt giống của các loài thực vật hoang dã - nguồn gốc ban đầu của các loại cây trồng chúng ta ăn ngày nay - không nên bị bỏ qua.
Tuy nhiên, theo báo cáo gần đây của Liên Hợp Quốc, nhiều loại cây giúp con người đảm bảo an ninh lương thực đang “thiếu biện pháp bảo vệ hiệu quả".
Báo cáo cảnh báo các loại cây trồng kém khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, sâu bệnh và mầm bệnh, đồng thời nhấn mạnh: "Đa dạng hệ sinh thái, nơi mà nhân loại sinh sống, đang suy giảm nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử loài người".
Trong báo cáo năm 2020, vườn thực vật Hoàng gia Kew, Anh cho biết nhiều loài thực vật trong tự nhiên hứa hẹn sẽ trở thành thuốc chữa bệnh, nhiên liệu và thực phẩm trong tương lai. Tuy nhiên khoảng 2/5 trong số chúng đang bị đe dọa tuyệt chủng, phần lớn là do môi trường sống bị phá hủy và biến đổi khí hậu.
Đó là một "cuộc chạy đua với thời gian" để xác định hạt giống nào đang có nguy cơ tuyệt chủng trước khi chúng hoàn toàn biến mất trên thế giới, báo cáo cho biết thêm.
Tuy nhiên, cô Na Chae-sun, nhà nghiên cứu cấp cao tại Vườn ươm Quốc gia Baekdudaegan, cho biết những nghiên cứu về hạt giống các loài cây hoang dã còn "thiếu rất nhiều".
"Người ta có thể hỏi tại sao loài hoa dại ở ven sông lại quan trọng", cô nói. "Trên thực tế, các loại cây trồng mà chúng ta ăn ngày nay có thể có nguồn gốc từ loài hoa không tên này".
Một nhà nghiên cứu đang kiểm tra '"hộp đen" chứa hạt giống trong phòng lưu trữ. (Ảnh: AFP).
Bên cạnh hầm chứa ở Hàn Quốc, một kho hạt giống khác cũng được xây dựng trong lòng ngọn núi gần thành phố Longyearbyen trên đảo Spitsbergen thuộc quần đảo Svalbard của Na Uy, cách Bắc Cực khoảng 1.300 km.
Được mệnh danh là "Con tàu của Noah" của cây lương thực, Global Seed Vault là hầm chứa lớn nhất và nổi tiếng nhất thế giới.
Cơ sở này tập trung bảo quản các loại cây nông nghiệp và cây trồng liên quan, lưu trữ hơn một triệu mẫu hạt giống từ gần như mọi quốc gia trên hành tinh.

Công trình đê biển kỳ vĩ của Hà Lan có thể nhìn thấy từ vũ trụ
Nói đến Hà Lan, người ta thường nghĩ đến bản lĩnh và quyết tâm của người dân nơi đây trong việc chế ngự các thảm kịch do bão lũ và nước biển dâng.

9 công trình kiến trúc "để đời" của Singapore
Quốc đảo sư tử với diện tích nhỏ và số dân khiêm tốn nhưng lại là một trong những điểm thu hút khách du lịch bậc nhất Đông Nam Á. Vì sao vậy?

Tìm hiểu về kính viễn vọng không gian Hubble
Kính viễn vọng không gian Hubble, mang tên nhà thiên văn học Mỹ Edwin Powell Hubble lần đầu tiên được phóng lên quỹ đạo Trái Đất từ tháng 4/1990.

10 công trình kiến trúc nổi tiếng Sài Gòn
Dinh Độc Lập, nhà thờ Đức Bà, bến Nhà Rồng không chỉ thu hút du khách bởi ý nghĩa lịch sử mà còn là kiến trúc đặc sắc, lâu đời.

15 công trình cổ đại bí ẩn trên thế giới thách thức giới khoa học
Những người sống trên Trái Đất vào hàng ngàn năm trước đã tạo ra những công trình có quy mô đồ sộ và hết sức công phu.

Truyền thuyết bí ẩn về Vườn treo Babylon
Vườn treo Babylon được ghi chép lại rất nhiều trong các tài liệu của các nhà sử học Hy Lạp như Strabo và Diodorus Siculus, nhưng mặc khác lại có ít bằng chứng về sự hiện diện của chúng.
