Vì sao nhà khoa học muốn dạy robot cảm nhận nỗi đau?
Robot đã xuất hiện trên thế giới từ rất lâu nhưng hình hài và cách hoạt động của chúng vẫn làm chúng ta e ngại. Hai nghiên cứu sinh từ London đã có ý tưởng mới để robot biết cảm nhận nỗi đau và bảo đảm an toàn cho con nguời.
Hiện tại, chúng ta đang chế tạo những robot biết đi và nói chuyện như con người và hơn cả mong đợi, chúng ta có thể trao cho robot một khả năng đặc biệt của con người: cảm nhận sự đau đớn.
Các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một sáng kiến đáng giá vì những con robot biết cảm nhận đau đớn sẽ bảo vệ chính chúng và những người làm việc với chúng khỏi bị đau. Nếu robot cảm nhận sự đe dọa đến với chúng, chúng sẽ tìm cách lảng tránh.
Johannes Kuehn, thành viên nhóm nghiên cứu từ trường đại học Hannover, Đức cho biết: "Sự đau đớn là một hệ thống giúp bảo vệ chúng ta. Khi chúng ta tránh việc làm đau đớn cho bản thân, khi đó chúng ta sẽ không bị tổn thương".
Cảm biến giúp robot cảm nhận được sự đau đớn. (Ảnh: BBC).
Với ý tưởng đó, Kuehn và người cộng sự Sami Haddadin đang thiết kế "một hệ thống thần kinh robot nhân tạo" cho mục đích này.
Để hệ thống hoạt động, nó cần được trang bị các nguồn tạo ra nỗi đau như một ngọn lửa hay một con dao và xem xét một hành động phản xạ thích hợp. Bộ đôi đang sử dụng hệ thống thần kinh của con người cho nguồn cảm hứng của họ.
Họ đã thử nghiệm dựa trên một số ý tưởng bằng cách sử dụng cánh tay robot với một cảm biến ngón tay có thể phát hiện được áp suất và nhiệt độ. Cánh tay này sử dụng một mảnh mô robot mô phỏng da người để quyết định mức độ đau được cảm nhận và những gì cần làm tiếp theo.
Nếu cánh tay cảm nhận nỗi đau nhẹ, nó sẽ từ từ thu lại cho đến khi cơn đau hết hẳn và sau đó quay trở lại với nhiệm vụ đang làm ban đầu. Đối với cơn đau vừa phải, cánh tay co lại một cách nhanh chóng hơn, và tuỳ vào ngưỡng đau, cánh tay có thể dãn trở về vị trí cũ, hoặc không. Đau đớn cực mạnh sẽ làm cho cánh tay trở về chế độ khóa cho đến khi nhận được sự giúp đỡ từ người điều hành.
Đảm bảo cho con người được an toàn là rất quan trọng, đặc biệt là khi ngày càng nhiều robot làm việc bên cạnh con người trong những năm tới. Nếu một robot được dạy để nhận biết và phản ứng với nỗi đau, nó có thể cảnh báo mọi người xung quanh, Kuehn and Haddadin nói.
Bắt robot học là một trong những thử thách khó khăn nhưng nó sẽ giúp robot trở nên thông minh hơn.
Fumiya Iida, chuyên gia robot từ trường đại học Cambridge, Anh Quốc – người không liên quan đến nghiên cứu nói với BBC: "Bắt robot học là một trong những thử thách khó khăn nhất nhưng cực kì hữu ích vì nó sẽ giúp robot trở nên thông minh hơn. Quá trình học hỏi bao gồm thử nghiệm và mắc lỗi. Khi đứa trẻ biết được té ngã làm chúng đau, chúng sẽ học cách làm điều đó với nhiều kỹ năng hơn".
Đây không phải là lần đầu tiên các nhà nghiên cứu quyết định cố gắng thử nghiệm nhân tính hóa cho robot. Đầu năm nay, Cơ quan các dự án phòng thủ tiên tiến trực thuộc Lầu Năm Góc, Hoa Kỳ (DARPA) đã tài trợ cho một dự án dạy robot cách "cảm thông" thông qua việc cho chúng đọc các sách của trẻ em. Đây là một trong những dự án của DARPA nhằm chế tạo được các robot biết phân biệt đúng và sai.
Công trình của Kuehn và Haddadin vẫn đang được thực hiện nhưng cặp đôi cũng vừa trình bày nghiên cứu của họ tại Hội nghị quốc tế IEEE về Robotics và Tự động hóa diễn ra ở Stockholm, Thụy Điển. Nếu thành công, nghiên cứu này có thể chế tạo ra những robot giống người hơn bao giờ hết.