Vì sao nhiều bảo tàng, thủy cung cấm du khách chụp ảnh?

Rất dễ để nhận thấy nhiều nơi tham quan như bảo tàng, thuỷ cung, địa điểm lịch sử treo bảng cấm du khách quay phim hay chụp ảnh với ánh đèn flash, hay thậm chí đôi khi là cả chụp ảnh thông thường cũng bị cấm. Thông thường lý do được đưa ra là vì ánh đèn flash với cường độ quá mạnh có thể làm hư hại các tác phẩm nghệ thuật trong các phòng tranh, viện bảo tàng. Bên cạnh đó, nó còn gây ảnh hưởng đến các loài động vật trong thuỷ cung. Nếu vậy, tại sao chụp ảnh thôi đôi khi cũng bị cấm, lý do đằng sau đó là còn gì?

Quy định cấm chụp ảnh không chỉ áp dụng ở một vài quốc gia mà thật ra là ở hầu hết các nước trên khắp thế giới. Bạn không thể chụp ảnh ở những nơi như Nhà nguyện Sistine ở Rome, bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam, cung điện Buckingham,… Dù một số bảo tàng nghệ thuật lớn như bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York và bảo tàng Mỹ thuật của Boston đã thay đổi chính sách, và hiện cho phép du khách chụp ảnh ở một phần tác phẩm nhất định trong bộ sưu tập vĩnh viễn của họ. Thế nhưng, các bảo tàng này lại đăng những bức ảnh có độ phân giải cao trên trang web của họ về cùng một tác phẩm nghệ thuật mà du khách không được phép chụp..

Vấn đề về đèn flash

Đèn flash có thực sự làm tổn hại các tác phẩm nghệ thuật?

Đèn flash với cường độ ánh sáng cao được cho là có thể làm tổn thương cấu trúc, phát sinh phản ứng hoá học với các tác phẩm nghệ thuật. Bởi sự lo ngại về cường độ ánh sáng cũng như năng lượng tia cực tím từ đèn flash, nên các nhà quản lý tại bảo tàng, phòng trưng bày tranh đều thống nhất rằng không nên cho du khách chụp ảnh với ánh đèn flash tại đây.


Quy định cấm chụp ảnh ở bảo tàng.

Đề xuất này bắt nguồn từ một nghiên cứu bởi Bảo tàng Quốc gia London Anh hồi năm 1995. Nghiên cứu đã cho thấy sự nhấp nháy lặp đi lặp lại của đèn flash có thể làm thay đổi màu sắc trên những mẫu màu được thí nghiệm. Kết quả này đã dẫn đến lý do các bảo tàng, phòng tranh cấm chụp ảnh với đèn flash, để giảm bớt nguy cơ bị hư hỏng tranh và tiết kiệm được chi phí trùng tu tốn kém.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác của Martin Evans tại đại học Cambridge thì lại cho rằng việc chụp ảnh bằng đèn flash không thực sự gây hại đáng kể cho hầu hết các tác phẩm trong bảo tàng. Ttrong thí nghiệm lần này, ông đã sử dụng 2 đèn flash công suất lớn, một đèn được bỏ lớp kính lọc chặn tia UV để lấy mức năng lượng cao nhất, còn 1 đèn giữ nguyên. Các đèn được đặt trước một tấm vải nhuộm màu 1m. Cùng lúc đó, một tấm vải nhuộm tương tự cũng được đặt trong điều kiện ánh sáng tiêu chuẩn của một phòng tranh để so sánh. Trong vài tháng tiếp theo, các đèn flash được chiếu sau mỗi 7 giây.

Sau hơn khoảng 1 triệu lần chớp đèn, kết quả là đèn flash không chắn UV sẽ làm lớp thuốc nhuộm bị phai đi 1 chút, có thể nhận thấy bằng mắt thường. Trong khi đó, ở đèn flash được chắn UV thì lớp thuốc có bị phai như không có sự khác biệt nếu nhìn bằng mắt thường. Tuy nhiên, điểm đặc biệt ở đây nằm ở việc những thay đổi ở màu sắc tấm vải có kính chắn tia UV cũng tương tự như tấm vải nhuộm đặt ở điều kiện ánh sáng bảo tàng tiêu chuẩn. Evans cho biết trong thực tế, ánh đèn flash từ điện thoại của du khách chỉ là ánh sáng với cường độ nhỏ, được chớp ở cách xa tác phẩm vài mét, thì cần đến hàng tỷ lần mới có thể gây tổn hại đến các tác phẩm.


Trong thực tế, ánh đèn flash từ điện thoại của du khách chỉ là ánh sáng với cường độ nhỏ mà thôi.

Dù đèn flash không phải là vấn đề, nhưng các nhà quản lý, giám đốc bảo tàng đã tự khiến họ tin vào việc này quá lâu, đến mức đây đã trở thành một niềm tin mà họ không dám làm khác đi.

Bài nghiên cứu của Evans cũng chỉ ra một trường hợp khá mâu thuẫn, khi mà bảo tàng lại cấm chụp ảnh những di vật Pharaoh bởi nỗi sợ ánh đèn flash sẽ phá huỷ nó, trong khi những di vật đó đều đã tồn tại dưới tia UV hoặc ánh nắng khắc nghiệt của sa mạc đã hơn 3000 năm.

Đèn flash và ảnh hưởng đến động vật trong thuỷ cung

Rất nhiều người và ngay cả chúng ta thích ghi lại những khoảnh khắc các sinh vật đang ngụp lặn trong nước, hay các cử chỉ đáng yêu của chúng. Và điện thoại thông minh là một công cụ để làm điều đó quá tuyệt vời. Tuy nhiên, không như các tác phẩm nghệ thuật, các sinh vật sống lại chịu nhiều ảnh hưởng từ ánh sáng này hơn.


 Đèn flash sẽ khiến con vật bị choáng và mất phương hướng.

Nhiều nghiên cứu đã cho thấy rằng đèn flash từ điện thoại hay máy ảnh không thể gây ra các tổn thương vĩnh viễn cho mắt của động vật hoặc người, ngay cả khi ở cự ly gần. Tuy nhiên, những thay đổi ánh sáng đột ngột thất thường này có thể gây căng thẳng đáng kể cho các loài cá, đặc biệt là những loài đã quen với điều kiện ánh sáng thấp. Đèn flash sẽ khiến con vật bị choáng và mất phương hướng và dẫn đến những sự cố không đáng có. Ở một số trường hợp nghiêm trọng hơn, đèn flash còn khiến con vật cảm thấy bị đe doạ và nhảy ra khỏi bể hay đâm đầu vào cửa kính trong hoảng loạn.


Đoạn clip ghi lại cảnh đèn flash làm cá ngừ hoảng loạn đâm vào cửa kính ở thuỷ cung

Cá cũng giống như động vật có vú và người, chúng cũng gặp nhiều phản ứng căng thẳng. Sự gia tăng adrenaline trong máu chỉ diễn ra trong vòng vài giây, sau vài phút, cortisol sẽ được giải phóng. Cả hai loại hormone này ban đầu đều giúp cơ thể thích nghi với tình trạng căng thẳng theo một số cách: nhịp tim tăng, và lưu lượng máu đến các cơ và các cơ quan thiết yếu tăng lên để chuẩn bị đối phó với các tình huống sắp tới. Nhưng nếu tác nhân gây căng thẳng cứ liên tục xuất hiện, sinh vật sẽ luôn ở trong tình trạng cảnh giác, tác động tiêu cực đến hệ sinh sản và cuộc sống của chúng.

Tuy nhiên, không phải loài cá nào cũng bị tác động bởi ánh đèn flash, bởi những loài cá khác nhau đòi hỏi môi trường sinh sống với điều kiện ánh sáng hoàn toàn khác nhau. Do đó, cách an toàn và dễ dàng nhất mà thuỷ cung lựa chọn là cấm chụp ảnh với ánh đèn flash.

Trải nghiệm của du khách

Việc cấm sử dụng máy ảnh còn giúp cải thiện trải nghiệm của du khách. Thật khó để thuởng thức một bức tranh khi mọi người cứ tụ tập ở phía trước đó để chụp ảnh. Về lâu dài, việc này sẽ dẫn đến tình trạng ùn ứ người đứng xếp hàng chụp ảnh, những du khách thực sự muốn vào xem triển lãm sẽ cảm thấy bị ảnh hưởng, không thoải mái khi đến đây nữa. Từ đó, lợi nhuận cũng bị giảm đi.


Thật khó để thưởng thức một bức tranh nếu mọi người cứ đứng ở phía trước chụp ảnh.

Bên cạnh đó, việc cho phép chụp ảnh có thể kéo theo nhiều vấn đề khác. Chẳng hạn vì một bức ảnh đẹp, nhiều người sẽ cố gắng trèo ra ngoài ban công để canh góc ảnh, hay cố gắng đến gần tác phẩm. Nếu điều này xảy ra ở các bảo tàng lớn, khung cảnh sẽ rất hoảng loạn và mất kiểm soát.

Đảm bảo nguồn thu


Bên cạnh tiền bán vé, một khoản thu không nhỏ của các bảo tàng nằm ở việc bán quà lưu niệm.

Nguyên nhân lớn nhất cho lệnh cấm này là vấn đề về tài chính. Cũng dễ hiểu khi các bảo tàng phải tìm cách để giữ được sự hứng thú quay lại của du khách để có được nguồn kinh phí tài trợ cho bộ sưu tập của họ. Nếu những đoạn phim, ảnh chụp cứ tràn lan trên mạng thì mấy ai còn muốn đến tham quan nữa. Bên cạnh tiền bán vé, một khoản thu không nhỏ của các bảo tàng nằm ở việc bán quà lưu niệm. Ngăn chặn việc chụp ảnh thì bảo tàng sẽ có nhiều cơ hội hơn để bán quà tặng độc quyền về hình ảnh. Bởi nếu không được phép chụp ảnh trong bảo tàng hoặc điểm lịch sử thì sách, áp phích, bưu thiếp của cửa hàng quà tặng chính là nguồn hợp pháp duy nhất về hình ảnh chất lượng cao của bức tranh, tượng hoặc địa điểm đó.

An ninh

Cấm chụp ảnh còn được cho là để tăng cường sự an ninh, bằng cách ngăn chặn những tên trộm hoặc khủng bố với ý định chụp ảnh để xác định điểm yếu trong hệ thống báo động và camera giám sát. Mặc dù thực sự có tương đối ít vụ trộm nghệ thuật lớn, nhưng cứ mỗi vụ trộm xảy ra, đó điều sẽ là một tin tức chấn động và là tiêu đề trên các mặt báo. Mà chẳng nhà quản lý nào mong muốn sai sót của họ lại được điểm tên như thế cả.

Bảo vệ bản quyền


Cấm chụp ảnh nhằm đảm bảo tác giả sẽ được một khoản phí bất cứ lúc nào có ai đó muốn tạo ra bản sao các tác phẩm của họ.

Bản quyền được sinh ra để bảo vệ tác giả, nghệ sĩ, các nhà sáng tạo, nhằm đảm bảo họ sẽ được một khoản phí bất cứ lúc nào có ai đó muốn tạo ra bản sao các tác phẩm của họ. Bản quyền thường tồn tại trong suốt cuộc đời của một người nghệ sĩ, và cộng thêm 70 năm sau đó. Điều này có nghĩa là phần lớn các bộ sưu tập trong bảo tàng có từ thời Phục Hưng, Hy Lạp đã mất bản quyền từ nhiều năm trước đó. Thế nhưng, đây là vấn đề lớn đối với các tác phẩm nghệ thuật hiện đại, đặc biệt là khi các tác phẩm được cho mượn. Bảo tàng không sở hữu bản quyền của các bức tranh hoặc tác phẩm điêu khắc cho mượn vì nó thuộc về chủ sở hữu hoặc nghệ sĩ ban đầu.

Về việc bảo tàng tự đăng ảnh tác phẩm lên mạng

Người ta cho rằng việc đăng tải các bức ảnh kỹ thuật số lên internet giúp tăng cường sự an ninh cho bảo tàng hơn là làm tổn hại nó. Một bức tranh hay đồ vật càng có độ nhận diện cao sẽ khiến các tên trộm sẽ khó bán chúng hơn sau khi trộm. Điều này cũng làm cho những người mua lậu có tâm lý e ngại khi bỏ tiền ra mua hơn.

Sự đổi mới của bảo tàng


Việc bảo tàng cho phép chụp ảnh có trả phí cũng là một giải pháp hay.

Lệnh cấm chụp ảnh ngày càng tỏ ra kém hiệu quả khi các máy ảnh chất lượng cao ngày càng nhỏ gọn và dễ đeo hơn. Những du khách muốn thực hiện ý đồ chụp lén cũng không phải là chuyện không thể. Do đó, thay vì chống đối và đưa bản thân vào một cuộc chiến với những kẻ chụp trộm, một số bảo tàng lại có ý tưởng hay ho hơn. Lấy ví dụ, một số nơi cấm chụp ảnh bằng tripod, để hạn chế khách va chạm vào tripod và làm ngã vào các tác phẩm. Hay như bảo tàng Lịch sử Tự nhiên ở Rwanda đã lấy phí chụp ảnh du khách, họ có thể chụp bao nhiêu ảnh cũng được miễn là có trả trước để hưởng đặc quyền. Việc này cũng giúp bảo tàng có thể kiểm soát lượng khách đang chụp ảnh, và có thể kiếm thêm một số tiền.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất