Vì sao ở Thụy Điển, ai cũng cấy con chip này vào tay?
Kích thước chỉ bằng hạt gạo nhưng công nghệ này có thể đem lại cho bạn nhiều lợi ích ở mọi khía cạnh của đời sống.
Cấy ghép vi mạch lần đầu tiên được thực hiện ở Thụy Điển vào năm 2015. Và kể từ đó người dân nước này ngày càng trở nên thân quen và hào hứng với công nghệ này.
Với một vi mạch nhỏ xíu được cấy vào dưới da, người dân Thụy Điển có thể ra ngoài mà không cần đem theo chìa khóa, thẻ tín dụng. Thậm chí cả vé tàu, vé xe cũng có thể mua được nhờ con chip siêu lợi hại này.
Cận cảnh quá trình cấy ghép vi mạch vào tay.
Nghe có vẻ giống như một cơn ác mộng đối với một số người lo ngại việc để lộ dữ liệu. Tuy nhiên, tại Thụy Điển, đây lại là một công nghệ được chào đón với số lượng người sử dụng ngày càng tăng. Bởi đa số công dân nước này đều vô cùng hài lòng với sự tiện lợi mà những con chip này đem lại, đồng thời họ coi việc chia sẻ thông tin cá nhân là điều tất yếu của một xã hội minh bạch.
Cô Ulrika Celsing, 24 tuổi, là một trong 3.000 người Thụy Điển đã cấy con chip vi mạch vào tay để trải nghiệm một phong cách sống mới. Trong năm qua, con chip đã biến thành chiếc túi xách điện tử thần kỳ, thay thế thẻ tập gym. Cô cũng sử dụng nó để đặt vé tàu hỏa nữa.
Tại Thụy Điển, đây lại là một công nghệ được chào đón với số lượng người sử dụng ngày càng tăng.
"Thật thú vị khi thử một cái gì đó mới mẻ, và quan sát những gì nó làm được để cuộc sống dễ dàng hơn trong tương lai" - cô chia sẻ.
Mối hiểm họa có thật?
Khi được hỏi về cảm giác khi cấy con chip vi mạch vào cơ thể, Celsing cho biết cô không hề cảm thấy gì, ngoài một cái chích nhẹ khi ống tiêm đưa con chip vào tay trái của cô ấy. Và cô vẫn sử dụng nó gần như hàng ngày và không lo sợ bị hack hay giám sát bởi người khác.
Tuy nhiên, đối với Ben Libberton, một nhà vi sinh học làm việc cho Phòng thí nghiệm MAX IV ở thành phố phía nam của Lund, lại khẳng định nguy hiểm là có thật.
Trung tâm cấy ghép chip của người Thụy Điển.
Các con chip cấy ghép có thể gây ra "nhiễm trùng hoặc phản ứng của hệ thống miễn dịch", ông cảnh báo. Thế nhưng rủi ro lớn nhất lại chính là dữ liệu chứa trong chip.
Nhà nghiên cứu cho biết: "Hiện tại, dữ liệu được thu thập và chia sẻ từ con chip là nhỏ, nhưng khả năng sẽ tăng lên là hoàn toàn có căn cứ".
Câu hỏi đặt ra là khối dữ liệu khổng lồ ấy sẽ được ai thu thập và chia sẻ tới đâu?
Libberton lo lắng rằng: "càng có nhiều dữ liệu được lưu trữ ở một con chip thì càng có nhiều rủi ro có thể xảy đến khi con chip hỏng hay bị lấy cắp".
Với một vi mạch nhỏ, người dân có thể ra ngoài mà không cần đem theo chìa khóa, thẻ tín dụng.
Ngược lại, Jowan Osterlund, một chuyên gia trong công nghệ cấy ghép chip, lại ủng hộ hình thức mới này. Ông lập luận rằng: "Nếu chúng tôi thu tất cả các dữ liệu cá nhân của các bạn, chúng tôi sẽ kiểm soát tốt hơn và tối ưu việc sử dụng các con chip, cung cấp cho các bạn những trải nghiệm tiện lợi nhất mà thôi".
Mặc dù mọi lo ngai vẫn chưa được trả lời một cách thỏa đáng, tuy nhiên không thể phủ nhận một thực tế rằng sức hấp dẫn của công nghệ hiện đại khó thể nào cưỡng nổi. Và nếu là bạn, bạn có chấp nhận cấy con chip này vào tay để tận hưởng dịch vụ tiện ích cực kỳ nhanh chóng, hay sẽ trung thành với những phương thức thanh toán truyền thống?