Vì sao quần áo phơi khô tự nhiên trong nắng có mùi thơm tươi mát?
Quần áo phơi khô tự nhiên có mùi thơm đặc biệt, thậm chí đã có những bài thơ nói về nó, hay các nhà sản xuất còn cố tạo ra hương liệu có mùi tương tự để cho vào nến và đồ làm thơm phòng.
Các nhà nghiên cứu đã tìm hiểu rất kỹ những chiếc khăn phơi khô tự nhiên đến từng phân tử tạo nên chúng để xem do đâu mà chúng có mùi thơm đặc biệt như vậy.
Phơi đồ giặt bên hồ Atter ở Áo.
Đây là đề tài nghiên cứu của nghiên cứu sinh Silvia Pugliese ở Trường đại học Copenhagen, Đan Mạch. Cô Pugliese cho biết từ khi còn nhỏ cô đã thấy mẹ phơi đồ dưới nắng và khi lớn lên cô cũng làm như vậy bất cứ khi nào có thể, “vì mùi thơm tươi mát của quần áo gợi cho tôi nhớ về nhà” – cô nói. Và cô đã nghiên cứu về mùi thơm này để làm luận văn thạc sĩ của mình.
Cô Pugliese cùng hai đồng nghiệp đã thử phơi khăn thí nghiệm ở trong văn phòng, ngoài ban công dưới mái che bằng nhựa và ngoài ban công có ánh nắng trực tiếp của mặt trời. Sau khi khăn khô, họ cất khăn vào các túi kín trong 15 giờ. Trong thời gian này, họ lấy mẫu các hợp chất hóa học tỏa ra không khí từ các túi này. Họ lấy mẫu theo cách đó với các các túi không có gì và các khăn không giặt và cả không khí xung quanh nơi phơi khăn.
Chỉ duy nhất quá trình phơi khô dưới nắng mặt trời sản là sinh ra một số aldehyde (an-đê-hít) và ketone (xê-tôn) mà các quá trình khác không có, đó là những phân tử hữu cơ mà mũi chúng ta có thể ngửi được từ cây cỏ và nước hoa. Ví dụ, sau khi phơi trong nắng, những chiếc khăn tỏa ra chất pentanal, chất này có trong hạt bạch đậu khấu, chất octanal, một hợp chất có mùi thơm của cam chanh, và chất nonanal, ngửi giống mùi hoa hồng.
Thực hành thí nghiệm phơi khăn trên ban công của Trường đại học Copenhagen.
Tại sao lại như vậy? Có thể là do sự tiếp xúc với ozone, một hóa chất trong khí quyển có thể biến đổi một số hóa chất thông thường thành các aldehyde và ketone này.
Một nguyên nhân cơ bản nữa có thể là do chính Mặt trời. Khi tiếp xúc với tia cực tím, một số phân tử trở nên “hoạt hóa” và hình thành các hợp chất hoạt động mạnh được gọi là các gốc tự do. Các gốc tự do này sau đó tái kết hợp với các phân tử khác ở gần kề, quá trình này thường tạo ra các aldehyde và các ketone.
Một lý do khác là do nước trong khăn ẩm chứa rất nhiều các phân tử dễ bị hoạt hóa đó và rồi nước có vai trò như “một chiếc kính lúp”, hội tụ ánh nắng mặt trời và đẩy nhanh tốc độ của các phản ứng này.
Các quá trình tương tự cũng xảy ra trên bất cứ bề mặt tự nhiên nào ngoài trời, kể cả đất trống và từng lá cỏ, có thể một phần là do mặt trời sau mưa lớn làm cho mọi thứ thứ đều có mùi tươi mát. (Mặc dù mùi trên quần áo có vẻ lưu lâu hơn, khả năng là do aldehyde bám vào vải).
Nhà hóa học Ricardo López ở Phòng thí nghiệm Phân tích mùi hương và Chế biến rượu của Trường đại học Zaragoza, Tây Ban Nha, lại cho rằng mùi hương thơm mát đó không phải chỉ do aldehyde và ketone. Ông nói rằng khi xét nghiệm các hợp chất mùi hương chính, đôi khi một số hợp chất có nồng độ thấp cũng quan trọng như hợp chất ở nồng độ cao. Cần có thêm xét nghiệm để hiểu được tường tận vấn đề này.
- Vì sao không nên mua xe ôtô màu đen?
- Vì sao mỗi khi mất mạng Google Chrome lại cho người dùng chơi game khủng long?
- 7 loại quả là “đặc sản” của mùa hè và những lưu ý cực quan trọng khi ăn