Vì sao thế giới có rất nhiều ngôn ngữ, nhưng cả 8 tỷ người khi bị đau đều kêu lên giống nhau: Ao, Ái, Ouch!

Tưởng tượng bạn đang đi chân đất trong nhà thì ngón út của bạn đá phải chân bàn ăn. Ngay tại khoảnh khắc này, từ đầu tiên mà bạn thốt ra sẽ là gì?

Đối với người nói tiếng Anh, nó sẽ là "Ouch!", phát âm giống với "ao" hoặc "ái chùi" trong tiếng Việt. Đối với người Trung nói tiếng Quan Thoại, nó sẽ là "哎哟", một từ có phiên âm là [aːi jo], một lần nữa, nó khá giống với "Ái dồi ôi" của chúng ta.

Trong một nghiên cứu mới trên tạp chí Hiệp hội Âm học Hoa Kỳ, các nhà khoa học đã kiểm tra cách mà mọi người kêu đau trong 131 ngôn ngữ khác nhau trên toàn thế giới. Và họ nhận thấy rằng đa số các tiếng kêu này thường na ná giống nhau.

Vì sao thế giới có rất nhiều ngôn ngữ, nhưng cả 8 tỷ người khi bị đau đều kêu lên giống nhau: Ao, Ái, Ouch!
Đa số các tiếng kêu khi đau đớn thường na ná giống nhau.

Sự khác biệt thường chỉ đến từ cách ký âm, hay chữ viết mà từng ngôn ngữ sử dụng để mô tả tiếng kêu đó. Nhưng điều này lại đặt một câu hỏi: Trái với sự đa dạng khủng khiếp về mặt tiếng nói trên hành tinh, tại sao tiếng kêu đau của 8 tỷ người lại giống nhau đến vậy?

Những thán từ bị bỏ quên

"Chúng ta đều biết những từ mà chúng ta có thể hét lên khi vấp ngón chân hoặc chạm tay vào một thứ gì đó nóng bỏng. Nhưng những loại từ chỉ nỗi đau (hay thán từ) nào mà người nói các ngôn ngữ khác nhau sử dụng để diễn tả nỗi đau?", Maïa Ponsonnet, một nhà nghiên cứu ngôn ngữ học tại Đại học Tây Úc cho biết.

Cùng với Christophe DM Coupe, một phó giáo sư ngôn ngữ đến từ Đại học Hong Kong và Kasia Pisanski, nhà nghiên cứu động lực học ngôn ngữ tại Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS), bộ ba nhà nghiên cứu đã đo tần suất xuất hiện của các nguyên âm (a, e, i, o, u) và cả các nguyên âm đôi (ai, ao, au…) có trong các từ cảm thán để chỉ nỗi đau trong 131 ngôn ngữ trên toàn cầu.

Kết quả được họ so sánh với tần suất xuất hiện của các nguyên âm tương tự có trong các từ diễn tả các cảm xúc khác như niềm vui, sự ghê tởm và các từ chỉ âm thanh khác như tiếng rên rỉ, tiếng hét… 

"Mục đích là để tìm hiểu xem các thán từ này có âm thanh tương tự nhau giữa các ngôn ngữ hay không, điều mà chúng tôi mong đợi là có nếu chúng là một phản xạ phổ quát", Ponsonnet cho biết.

Vì sao thế giới có rất nhiều ngôn ngữ, nhưng cả 8 tỷ người khi bị đau đều kêu lên giống nhau: Ao, Ái, Ouch!
Các thán từ thường được sử dụng riêng lẻ như "Ái", "Ối", "Ouch", "Wow"…

Các thán từ được định nghĩa là những từ độc lập, được sử dụng riêng lẻ như "Ái", "Ối", "Ouch", "Wow"… Chúng vốn không có tác dụng kết hợp về mặt ngữ pháp với bất kỳ từ nào khác trong câu để tạo thành nghĩa. Mặc dù đôi khi, hiện tượng này có thể được sáng tạo một cách không chính thống bởi giới trẻ, với những câu nói như: "Trông bạn ối dồi ôi thế".

Vì các nhà ngôn ngữ học chủ yếu nghiên cứu các tổ hợp ngữ pháp, có ý nghĩa kết hợp, nên trong một thời gian dài họ không chú ý nhiều đến các câu cảm thán và thán từ. Đây là lý do tại sao một số câu hỏi rất cơ bản về chúng vẫn chưa được trả lời – mặc dù các thán từ xuất hiện rất thường xuyên trong giao tiếp, đặc biệt là lời nói và cũng là một nền tảng của ngôn ngữ.

Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã cố gắng tìm hiểu xem các thán từ có nguyên âm giống nhau giữa các ngôn ngữ hay không dựa trên cảm xúc hoặc tình cảm mà chúng muốn thể hiện hay không? Nếu có, liệu họ có thể giải thích những điểm chung này bằng các hình thức âm thanh của những âm thanh phi ngôn ngữ như tiếng khóc và tiếng rên rỉ?

Nghiên cứu được thực hiện thế nào?

"Để kiểm tra giả thuyết của mình, chúng tôi đã thu thập các từ cảm thán chỉ nỗi đau, sự ghê tởm và niềm vui từ các cuốn từ điển trải dài trên nhiều ngôn ngữ ở Châu Phi, Châu Á, Châu Úc và Châu Âu. Hơn 500 từ cảm thán trong 131 ngôn ngữ đã được tìm thấy", Ponsonnet cho biết.

Bước tiếp theo là so sánh các từ cảm thán với các từ không phải cảm thán. Cô cùng các đồng nghiệp đã sử dụng các cơ sở dữ liệu lớn, với danh sách toàn diện các từ cho các ngôn ngữ trong mẫu. Điều này cho phép họ chạy các thử nghiệm thống kê, để so sánh sự phân bố của các nguyên âm trong từ cảm thán với các nguyên âm được tìm thấy trong các từ bình thường khác.

Các thử nghiệm này cho thấy rằng trung bình, các từ cảm thán diễn tả nỗi đau có nhiều nguyên âm "a" hơn và nhiều nguyên âm đôi hơn, như "ai" (như trong "ay!" của tiếng Tây Ban Nha) hoặc "au" (như trong "ouch!" trong tiếng Anh). Điều này đúng với tất cả các ngôn ngữ ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Vì sao thế giới có rất nhiều ngôn ngữ, nhưng cả 8 tỷ người khi bị đau đều kêu lên giống nhau: Ao, Ái, Ouch!
 Các từ cảm thán diễn tả nỗi đau có nhiều nguyên âm "a" hơn và nhiều nguyên âm đôi hơn.

"Để rõ ràng, kết quả này không có nghĩa là tất cả các từ cảm thán chỉ đau đớn đều chứa âm "a", "ai" hoặc "au". Nhưng nếu bạn chọn một từ cảm thán chỉ đau đớn ngẫu nhiên, thì nó có nhiều khả năng có những âm này hơn là khi bạn chọn một từ cảm thán mô tả sự chán ghét hoặc vui mừng ngẫu nhiên, hoặc bất kỳ từ nào khác", Ponsonnet giải thích.

Trong ba loại cảm xúc mà nhóm nghiên cứu đã xem xét, đau đớn là loại duy nhất có những đặc tính như vậy. Ngược lại, nguyên âm trong các từ cảm thán mô tả sự ghê tởm và vui mừng không khác biệt đáng kể so với các từ bình thường.

Điều này cho thấy các nguyên âm trong thán từ chỉ nỗi đau không xuất hiện một cách ngẫu nhiên. Vậy, chúng đến từ đâu?

Những tiếng kêu đau đớn như một phản xạ "được dập khuôn" vào ngôn ngữ

"Để khám phá câu hỏi này, chúng tôi đã xem xét những âm thanh phi ngôn ngữ mà mọi người tạo ra để thể hiện nỗi đau, cũng như sự ghê tởm và niềm vui", Ponsonnet cho biết.

"Chúng tôi đã ghi âm một số lượng lớn cuộc hội thoại của những người nói tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Quan Thoại, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Thổ Nhĩ Kỳ bằng lời ăn tiếng nói hằng ngày – không có từ ngữ trang trọng– để diễn tả những trải nghiệm tình cảm này. Sau đó, chúng tôi đếm các nguyên âm trong những bản ghi đó".

Kết quả cho thấy mỗi trải nghiệm cảm xúc đều có cấu hình nguyên âm riêng để phát âm: từ "pain" (nỗi đau) có nhiều nguyên âm "a" hơn, từ "bored" (nhàm chán) có nhiều nguyên âm "trung tính" hơn (như nguyên âm thứ hai trong từ "dragon"), và từ joy (vui vẻ) có nhiều nguyên âm "i" hơn.

Nói cách khác, cả thán từ và các phát âm phi ngôn ngữ cho nỗi đau đều có nhiều nguyên âm "a" hơn mong đợi. Tuy nhiên, thán từ chỉ sự nhàm chán và vui mừng không có cùng nguyên âm với phát âm thể hiện những cảm xúc đó.

Vậy điều đó dẫn chúng ta đến kết luận gì?

Vì sao thế giới có rất nhiều ngôn ngữ, nhưng cả 8 tỷ người khi bị đau đều kêu lên giống nhau: Ao, Ái, Ouch!
Từ cảm thán chỉ nỗi đau có thể bắt nguồn từ những âm thanh phi ngôn ngữ mà mọi người phát ra khi đau đớn.

"Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng trong khi thán từ là thông thường và đặc thù ngôn ngữ, thì nguyên âm của chúng không hoàn toàn ngẫu nhiên. Thán từ chỉ đau có nhiều "a", "ai" hoặc "au" hơn đáng kể so với mong đợi. Và đối với "a", chúng giống với các tiếng phát âm chứ không phải từ ngữ", Ponsonnet cho biết.

"Điều này cho thấy rằng các từ cảm thán chỉ nỗi đau có thể bắt nguồn từ những âm thanh phi ngôn ngữ mà mọi người phát ra khi đau đớn, nhưng điều này có vẻ không đúng với các cảm xúc khác".

Những kết quả đã làm sáng tỏ những câu hỏi lớn về nguồn gốc của các hình thức ngôn ngữ. Chúng ta thường nghĩ về các từ như những sự kết hợp tùy ý của các âm thanh. Nhưng có một số từ ngữ có vẻ như có điểm chung hơn các từ khác.

Trong đó, đau đớn như một khía cạnh trung tâm của trải nghiệm con người có liên quan đến những phản ứng sinh lý và cảm xúc mạnh mẽ, đến mức những phản ứng tự phát này có thể định hình nên những từ ngữ mà con người dùng để diễn tả nỗi đau đó, trong mọi ngôn ngữ, bằng mọi tiếng nói và chữ viết.

Và Ponsonnet cho biết hiện nhóm nghiên cứu vẫn còn nhiều bí ẩn muốn giải đáp: "Trong nghiên cứu này, chúng tôi tập trung vào nguyên âm. Nhưng điều này đặt ra câu hỏi: còn phụ âm ("p", "t", "s", v.v.) thì sao? Và còn những cảm xúc khác ngoài nỗi đau, sự ghê tởm và niềm vui?

Những cuộc điều tra như vậy sẽ làm sáng tỏ hơn nữa về cách ngôn ngữ của con người được thể hiện và cách nó phát triển ở tổ tiên chúng ta, trong những ngày đầu tiên, bình minh của tiếng nói và chữ viết".

Loading...
TIN CŨ HƠN
Vì sao con đỉa có thể sống trong mũi hơn nửa tháng?

Vì sao con đỉa có thể sống trong mũi hơn nửa tháng?

Làm thế nào một con đỉa có thể xâm nhập vào cơ thể con người và tồn tại trong môi trường khoang mũi?

Đăng ngày: 03/12/2024
Vì sao chim sẻ Quelia mỏ đỏ lại được coi là

Vì sao chim sẻ Quelia mỏ đỏ lại được coi là "kẻ hủy diệt" của lục địa châu Phi?

Trên lục địa châu Phi tràn đầy sức sống, mối quan hệ phức tạp giữa thiên nhiên và con người là một bản giao hưởng của sự hùng vĩ và thách thức.

Đăng ngày: 03/12/2024
Vì sao chạm vào kim loại luôn lạnh hơn gỗ, dù cả hai cùng nhiệt độ?

Vì sao chạm vào kim loại luôn lạnh hơn gỗ, dù cả hai cùng nhiệt độ?

Dù cả hai đều ở ngoài trời và cùng nhiệt độ, bạn chắc chắn sẽ cảm thấy cột đèn kim loại lạnh hơn nhiều so với thân cây. Lý do là gì?

Đăng ngày: 01/12/2024
Tại sao 86,2% nhà khoa học thích Newton hơn Einstein?

Tại sao 86,2% nhà khoa học thích Newton hơn Einstein?

Ai là nhà vật lý xuất sắc nhất trong lịch sử, Newton hay Einstein? Hầu hết mọi người có thể sẽ nói rằng cả hai đều tuyệt vời như nhau, nhưng trong thâm tâm, nhiều người thích người này hơn người kia.

Đăng ngày: 01/12/2024
Tại sao chúng ta đều cảm thấy sợ hãi trước những vùng nước có độ sâu lớn?

Tại sao chúng ta đều cảm thấy sợ hãi trước những vùng nước có độ sâu lớn?

Nỗi sợ hãi trước những điều chưa biết là bản năng ăn sâu trong con người, một cảm giác gắn liền với sự tồn tại từ thời xa xưa.

Đăng ngày: 30/11/2024
Tại sao chúng ta lại cho rằng các lỗ đen có hình cầu?

Tại sao chúng ta lại cho rằng các lỗ đen có hình cầu?

Diện tích ảnh hưởng của lực hấp dẫn xung quanh các hành tinh, ngôi sao và lỗ đen có hình cầu vì chúng kéo đều theo mọi hướng.

Đăng ngày: 30/11/2024
Tại sao chị em ngủ ít hơn và thức dậy nhiều hơn các anh?

Tại sao chị em ngủ ít hơn và thức dậy nhiều hơn các anh?

Một nghiên cứu mới đã nêu bật sự khác biệt đáng kể về giấc ngủ giữa giống đực và cái, cho thấy các yếu tố sinh học có ảnh hưởng lớn hơn so với lối sống trong việc xác định các kiểu giấc ngủ.

Đăng ngày: 28/11/2024
Tiêu điểm
Khoa Học News