Vì sao tiếng nước chảy giúp chúng ta ngủ ngon hơn?
Tiếng sóng biển vỗ, tiếng suối rì rào, tiếng mưa tí tách - nhiều người nói rằng những âm thanh này của nước giúp họ chìm vào giấc ngủ dễ dàng. Tại sao lại như vậy?
Một phần câu trả lời nằm ở cách bộ não của chúng ta giải thích những tiếng ồn mà chúng ta nghe thấy [cả khi thức và trong đêm khuya] là mang tính đe dọa hay không.
"Những tiếng động này là âm thanh không mang tính đe dọa, đó là lý do tại sao chúng có tác dụng trấn an con người", Phó Giáo sư Orfeu Buxton chuyên ngành sức khỏe tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) cho biết, "Chúng như đang nói với ta rằng: Đừng lo lắng! Đừng lo lắng!".
Những tiếng ồn lớn hơn có xu hướng khiến chúng ta khó ngủ hơn. Song, có lẽ điều quan trọng hơn cả mức âm lượng ở đây là đặc tính của âm thanh (nói cách khác, âm thanh đó có kích hoạt hệ thống cảnh giác mối đe dọa của não bộ và đánh thức chúng ta khỏi giấc ngủ hay không).
Những âm thanh không mang tính đe dọa sẽ giúp trấn an con người.
"Thể loại tiếng ồn sẽ là yếu tố quyết định liệu bạn có tỉnh dậy hay không, bởi thông tin về tiếng ồn được não bộ chúng ta xử lý theo cách khác nhau" - Ông Buxton cho hay.
Ví dụ, mặc dù âm thanh của sóng vỗ có thể thay đổi lên xuống về âm lượng nhưng nó vẫn trái ngược hoàn toàn với một tiếng hét hoặc một chiếc chuông điện thoại đột ngột xuyên qua khoảng không im lặng rồi đạt đến âm lượng cao nhất gần như ngay lập tức.
"Trong trường hợp của tiếng la hét, đó không gọi là "tiếng ồn" thông thường nữa, mà chuyển trực tiếp sang âm thanh có âm vực cao" - Ông Buxton cho hay.
Theo một nghiên cứu của Giáo sư Buxton tại bệnh viện, ngay cả ở âm lượng thấp khoảng 40 decibel - về cơ bản như một tiếng thì thầm - thì tiếng báo động từ thiết bị của bệnh viện cũng đánh thức những người tham gia nghiên cứu khỏi giấc ngủ (dù đó là giấc ngủ nông hay sâu).
Con người chúng ta, về mặt sinh học, có vẻ như được lập trình để phản ứng với những tiếng ồn bất ngờ vì chúng có thể báo hiệu một tin rất xấu.
"Chúng ta là động vật có vú, nhưng là động vật linh trưởng", ông Buxton nói, "các loài linh trưởng sẽ cảnh báo đồng loại của chúng về các mối đe dọa". Trong trường hợp người nguyên thủy sống thành từng nhóm nhỏ trước đây, "một tiếng hét có thể bao hiệu ai đó trong bộ tộc đang bị ăn thịt".
Theo ông Buxton, một lý do khác khiến âm thanh của nước khiến chúng ta dễ ngủ đó là: Những tiếng ồn không mang tính đe dọa, khi ở mức âm lượng tương đối lớn, có thể át đi những âm thanh làm kích hoạt hệ thống cảnh giác mối đe dọa trong não bộ.
"Nó có thể giúp trấn áp những âm thanh khác mà bạn không kiểm soát được, ví dụ như khi ai đó đang xả nước ở khu vực khác trong ngôi nhà, hoặc khi có taxi, xe cộ bên ngoài..." - Ông Buxton cho hay.
Tất cả những điều đó khiến chúng ta cảm thấy dễ hiểu khi các cách hỗ trợ giấc ngủ sử dụng tiếng nước chảy đã trở nên phổ biến trong nhiều thập kỷ qua, trên các phương tiện khác nhau, từ băng cassette cho tới MP3, và các ứng dụng dành cho thiết bị di động ngày nay.
Tuy nhiên, dựa trên kết quả nghiên cứu của mình và các nghiên cứu khác, Giáo sư Buxton cũng cảnh báo việc phụ thuộc quá nhiều vào thiết bị di động.
"Điện thoại khó có thể bảo vệ sự riêng tư và yên tĩnh của bạn", ông Buxton nói, "Bạn có thể nghĩ rằng mình đã tắt hết thông báo, mọi tiếng báo tin nhắn và cập nhật, tuy nhiên, nếu như điện thoại của bạn không được tắt hẳn, bạn vẫn có khả năng bị gián đoạn ngoài ý muốn".
Cũng có một số người cho biết họ có cảm giác cần đi vệ sinh khi nghe tiếng nước chảy. Giáo sư Buxton cho biết, ngoại trừ trường hợp trên, bạn nên tiếp tục thưởng thức giai điệu nhẹ nhàng của nước để đi sâu vào trong giấc ngủ.

Tại sao “nơi sinh” lại là thông tin quan trọng trên hộ chiếu?
Việt Nam không phải là quốc gia đầu tiên trên thế giới có mẫu hộ chiếu không ghi thông tin nơi sinh.

Tại sao có loại nấm độc, có loại không?
Theo các nhà nghiên cứu, một số loại nấm sản sinh chất độc để khỏi bị ăn thịt, để có thể sinh sôi.

Tại sao loài hải ly thích xây dựng những con đập để làm tổ?
Trên thực tế, những con đập được xây dựng bởi loài hải ly không chỉ được dùng làm tổ cho chúng, mà hơn thế nữa, những con đập này mang lại những lợi ích vô cùng to lớn đối với hệ sinh thái.

Vì sao gà tây là món truyền thống của lễ Tạ Ơn?
Hình ảnh một con gà tây quay vàng ruộm trên bàn ăn đã trở thành biểu tượng của lễ Tạ Ơn. Đằng sau món ăn này là những câu chuyện thú vị.

Vì sao người Trung Hoa cổ xưa viết chữ từ phải sang trái?
Người Trung Hoa cổ xưa viết chữ theo một trình tự rất độc đáo và khác biệt. Họ viết chữ theo hướng dọc thẳng từ trên xuống dưới và từ phải sang trái.

Tại sao chim có thể làm rơi máy bay
Là những cỗ máy nặng hàng chục tấn và làm từ những vật liệu siêu bền, nhưng máy bay lại có thể gặp vấn đề khi đối diện với những chú chim nhỏ bé.
