Vì sao trí tuệ nhân tạo phải "sợ" con người?
Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần bắt kịp bộ não của con người khi có thể liên tục đánh bại chúng ta trong các bộ môn thể thao trí tuệ, tạo ra hình ảnh khuôn mặt, viết báo và thậm chí là tự lái xe ôtô tốt hơn nhiều thanh thiếu niên.
Nhưng AI vẫn chưa được hoàn thiện và cần nhiều quá trình đào tạo. Trong đó, ứng dụng Woebot là một ví dụ. Đây là ứng dụng trên điện thoại thông minh hỗ trợ AI nhằm cung cấp dịch vụ tư vấn chi phí thấp, sử dụng phương thức đối thoại để hướng dẫn người dùng các kỹ thuật cơ bản của liệu pháp tâm lý về nhận thức – hành vi.
Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng một thuật toán AI liệu có đủ sự đồng cảm để giúp liệu pháp điều trị trở nên hiệu quả trên từng cá nhân hay không. "Những ứng dụng dựa trên trí tuệ nhân tạo thực sự thiếu mất thành phần thiết yếu là mối quan hệ trị liệu", Linda Michaels, nhà trị liệu tâm lý tại Chicago, đồng chủ tịch của Mạng lưới Hành động Trị liệu Tâm lý, cho biết với tạp chí Times.
Con người thường không có xu hướng hợp tác với AI trong nhiều tình huống.
Tất nhiên, sự thấu hiểu, đồng cảm là con đường dài hai chiều, và con người chúng ta không thể mang những thứ cảm xúc đó lên AI. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng con người thường không có xu hướng hợp tác với AI trong nhiều tình huống, trong khi nếu bot là một con người thực sự thì sẽ sẵn sàng phối hợp ngược lại.
"Có vẻ như chúng ta đang thiếu điều gì đó liên quan đến sự giao tiếp giữa người và máy. Về cơ bản, đối thoại giữa người với người sẽ tốt hơn là giao cho AI", Ophelia Deroy, nhà triết học tại Đại học Ludwig Maximilian, Munich, Đức cho biết.
Trong một nghiên cứu gần nhất, Deroy và các cộng sự là nhà khoa học thần kinh đã tìm hiểu lý do vì sao con người và AI lại có khoảng cách như vậy. Nhóm nghiên cứu đã ghép các đối tượng là con người với đối phương giấu mặt, bao gồm cả người lẫn AI, để tham gia một loạt trò chơi hiểu ý như Trust, Prisoner's Dilemma, Chicken và Stag Hunt để đánh giá và phân tích độ ăn ý.
Giao tiếp hạn chế giữa con người và AI được cho là thiếu sự tin tưởng vì suy cho cùng, AI cũng chỉ là những thuật toán lý trí và thiếu cảm xúc. Tiến sĩ Deroy và các đồng nghiệp đã đưa ra một kết luận cho thấy con người ít có khả năng hợp tác với bot ngay cả khi bot rất muốn hợp tác. Không phải chúng ta không muốn tin tưởng bot, mà vốn dĩ nó được sinh ra để phục vụ con người, để chúng ta khai thác và hưởng lợi hơn là một thứ giúp chia sẻ cảm xúc.
"Những người tham gia không chỉ có xu hướng không đáp lại ý định hợp tác của trí tuệ nhân tạo, mà còn phản bội lòng tin của các bot, họ không chia sẻ khi mắc sai lầm trong trò chơi với các bot, trong khi sẵn sàng bày tỏ ngược lại với con người. Chúng ta đơn giản là làm ngơ AI và không có cảm giác rằng mình đã vi phạm bất kỳ nghĩa vụ chung nào", Deroy cho biết.
Điều này thực sự có ý nghĩa trong thế giới thực. Khi nghĩ về AI, chúng ta thường có xu hướng nghĩ về Alexa và Siri, những trợ lý ảo khi tiếp xúc thời gian dài có thể sản sinh một loại mối quan hệ thân mật nào đó.
Nhưng trên thực tế, hầu hết sự tương tác giữa con người với AI đều là những cuộc đối thoại độc lập, chỉ diễn ra một lần và thường là không lời. Hãy tưởng tượng bạn đang lái xe trên đường cao tốc và một chiếc ôtô bên cạnh muốn vượt lên trước. Nếu nhận thấy rằng chiếc xe đó là phương tiện không người lái, bạn sẽ ít có khả năng cho nó vượt lên. Và nếu thuật toán AI không học được hành vi xấu này của con người, một vụ tai nạn có thể xảy ra sau đó.
"Việc thiết lập các tiêu chuẩn nhất định là điều duy trì sự hợp tác xã hội ở bất kỳ quy mô nào. Chức năng xã hội của cảm giác tội lỗi là khiến con người ta tuân theo những chuẩn mực xã hội đã thông qua thỏa hiệp, hợp tác với người khác. Tuy nhiên chúng ta không phát triển để có các chuẩn mực xã hội hoặc đạo đức với các sinh vật vô tri, vô thức như AI", Tiến sĩ Deroy phát biểu.
Tất nhiên, việc con người tỏ ra kém hợp tác với AI có thể dẫn đến một số hậu quả, làm ảnh hưởng xấu đến khả năng giao tiếp giữa người với người, Deroy phân tích. Cùng với đó, AI cũng sẽ đối mặt với hậu quả khó tránh khỏi.
"Nếu chúng ta thờ ơ với AI, nó sẽ học theo những cảm xúc đó. Một AI vốn dĩ được lập trình để thân thiện với con người thay vì trở nên thiếu tương tác hay bực tức".
Hãy thử hình dung một chiếc ôtô tự lái bắt đầu bấm còi inh ỏi sau khi bị chúng ta giành đường đi, đó là lúc nhân loại đã đạt được thành tựu đỉnh cao, khiến cho AI phản ứng lại hành vi xấu của con người. Đến lúc đó, hy vọng rằng thuật toán AI sẽ đủ tinh vi giúp những chiếc xe tự hành giải quyết các vấn đề về quản lý "cảm xúc".
- Tại sao những con chó nhỏ lại thường hung dữ hơn?
- Giới khoa học phẫn nộ vì thí nghiệm tàn nhẫn lên cá voi minke ở Na Uy
- Phát hiện hố thiên thạch chứa hàng nghìn tỷ carat kim cương