Việt Nam có hướng tiếp cận khác trong miễn dịch điều trị ung thư

GS.TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội, học trò Việt Nam đầu tiên của GS Honjo, đã cùng cộng sự tại Đại học Y Hà Nội ứng dụng liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu tự thân từ đầu năm 2017, theo cơ chế tương tự với phát minh tăng cường vai trò của hệ thống miễn dịch song với hướng tiếp cận khác.

Việt Nam có hướng tiếp cận khác

Giải Nobel Y học 2018 vừa được trao cho hai nhà khoa học nghiên cứu ra một liệu pháp điều trị ung thư mới, kích hoạt tế bào miễn dịch của cơ thể để chúng nhận ra và tiêu diệt tế bào ung thư. Tác giả của công trình này là hai nhà khoa học danh tiếng là GS Tasuku Honjo (76 tuổi, ĐH Kyoto, Nhật Bản) - người phát hiện ra PD1 và GS James P. Allison (70 tuổi, ĐH Texas, Mỹ) - người phát hiện ra CTLA4.

Học trò của GS Tasuku Honjo – GS.TS Tạ Thành Văn, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Y Hà Nội cho hay, hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư từ phẫu thuật đến xạ trị, hoá chất, điều trị đích. Khoảng 10 năm trở lại đây, có thêm liệu pháp miễn dịch với nguyên lý là tăng cường sức đề kháng của hệ thống miễn dịch của cơ thể mình với các tác nhân nội sinh và ngoại sinh.

Với liệu pháp này, các tế bào miễn dịch của bệnh nhân được phân lập, nhân lên và biệt hoá ở ngoài cơ thể sau khi đạt được số lượng lớn thì được truyền trở lại cơ thể người bệnh. GS Honjo phát hiện ra thụ thể PD-1, GS Allison phát hiện ra thụ thể CLTA-4. Khi tiếp xúc với tế bào miễn dịch, tế bào ung thư làm bất hoạt hai thụ thể nói trên khiến tế bào miễn dịch không nhận ra tế bào ung thư.

Việt Nam có hướng tiếp cận khác trong miễn dịch điều trị ung thư

Nhờ phát minh của hai giáo sư, ngành dược đã sản xuất ra kháng thể kháng lại hai thụ thể PD-1 và CLTA-4, giúp tế bào miễn dịch nhận ra tế bào ung thư để tiêu diệt đích. Hiện nay, phương pháp này đã được thế giới áp dụng.

Tại Việt Nam, GS Thành Văn cho biết, các nhà khoa học trường ĐH Y Hà Nội dựa trên nguyên tắc của công trình đạt giải Nobel là tăng cường chức năng của hệ miễn dịch trong cơ thể bệnh nhân nhưng theo hướng tiếp cận hơi khác, thông qua việc phân lập tế bào miễn dịch, tăng sinh và hoạt hoá ngoài cơ thể rồi đưa lại vào cơ thể bệnh nhân.

Từ 10-30ml máu ngoại vi, các nhà khoa học sẽ tách được vài triệu tế bào miễn dịch, sau đó nhân lên và biệt hoá được vài tỷ tế bào rồi truyền lại cho bệnh nhân, tạo ra hàng rào tế bào miễn dịch đủ mạnh và đặc hiệu để tiêu diệt các tế bào ung thư.

Theo đó, mỗi liệu trình này được thực hiện sáu lần truyền trong ba tháng, mỗi lần truyền cách nhau hai tuần. Hiện nay tại phòng nghiên cứu của Trường Đại học Y Hà Nội chỉ thực hiện được 6-8 bệnh nhân cho một liệu trình.

Bệnh nhân được cải thiện rõ rệt về triệu chứng lâm sàng

Hiện đề tài này đã được Bộ Y tế phê duyệt và đã thử nghiệm lâm sàng được gần hai năm trên 75 bệnh nhân mắc năm loại ung thư phổ biến: phổi, gan, vú, dạ dày và đại trực tràng ở giai đoạn 3b và 4.

Theo đánh giá của GS Tạ Thành Văn, sau hơn hai năm triển khai tại Trường Đại học Y Hà Nội, liệu pháp tế bào miễn dịch trong điều trị ung thư đã được áp dụng cho bệnh nhân ở các hình thái ung thư: thận, phổi, gan, dạ dày, đại tràng và vú, giúp các bệnh nhân ung thư cải thiện rất rõ rệt về triệu chứng lâm sàng như: ăn được, ngủ tốt hơn, bớt đau, thể trạng cải thiện, chất lượng sống được nâng cao, chưa ghi nhận phản ứng phụ.

“Một số bệnh nhân đáp ứng rất tốt, có trường hợp ở ranh giới sống – chết nhưng giờ đã khoẻ mạnh bình thường. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục đánh giá về hiệu quả dài lâu của phương pháp này”, GS Văn cho hay.

Theo kết quả điều trị tại Nhật, khi áp dụng liệu pháp này, khoảng 60% bệnh nhân có cải thiện các triệu chứng lâm sàng, 3% bệnh nhân giai đoạn 3b và 4 có khối u di căn không phát triển hoặc biến mất.

GS Tạ Thành Văn lưu ý, tế bào miễn dịch trị liệu là phương pháp điều trị hỗ trợ, dùng kết hợp với các phương pháp điều trị truyền thống khác. Ở giai đoạn sớm, vẫn ưu tiên các phương pháp truyền thống như phẫu thuật, xạ trị, hoá trị hay điều trị đích.

Hiện tại, có hàng trăm bệnh nhân đang chờ để được áp dụng phương pháp này, tuy nhiên, GS Văn cho biết, sẽ cần thêm hơn một năm nữa để kết thúc thử nghiệm lâm sàng. Sau đó nhóm nghiên cứu sẽ báo cáo lên Hội đồng Y đức và Hội đồng chuyên môn của Bộ Y tế, từ đó mới xem xét, quyết định có được áp dụng rộng rãi hay không.

Loading...
TIN CŨ HƠN
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư đường mật, túi mật

Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh ung thư đường mật, túi mật

Đặc trưng của bệnh ung thư đường mật, ung thư túi mật là sự phát triển bất thường và tăng sinh quá mức của các tế bào ung thư.

Đăng ngày: 15/10/2018
Tiêu điểm
Khoa Học News