Vỏ não càng rộng, não càng thông minh?
Tại sao một số người lại thông minh hơn những người khác? Trong một bài viết mới trên tờ Current Directions in Psychological Science, Eduardo Mercado, nhà nghiên cứu đến từ Hiệp hội khoa học tâm lý thuộc Đại học bang New York tại Buffalo, đã miêu tả một số khía cạnh nhất định của cấu trúc não sẽ quyết định khả năng học tập của mỗi người như thế nào, cũng như chỉ ra khả năng học tập đóng góp như thế nào tới mức độ thông minh của chúng ta.
Co dãn nhận thức là khả năng học và cải thiện các kĩ năng nhận thức như giải quyết vấn đề và ghi nhớ sự kiện. Mercado lập luận rằng cơ sở cấu trúc của co dãn nhận thức là các mô vỏ não. Mô vỏ não là những nhóm tế bào thần kinh có liên hệ với nhau được xếp theo hàng dọc. Ở các khu vực khác nhau của vỏ não, các nhóm này có số lượng và mức đa dạng tế bào thần kinh khác nhau. Việc xác định được những mô vỏ não này giúp chúng ta học được kĩ năng nhận thức như thế nào sẽ giúp lí giải vì sao khả năng này lại có sự biến đổi theo thời gian – hay nói cách khác, vì sao mỗi người có khả năng học hỏi khác nhau và vì sao khả năng học các kĩ năng mới lại thay đổi theo tuổi tác của con người.
(Ảnh : spacesuityoga.files.wordpress.com) |
Các nghiên cứu trên một số loài cho thấy, nhìn chung vỏ não càng lớn thì khả năng trí tuệ càng cao. Nguồn gốc của mối liên hệ này chưa được lí giải rõ ràng, nhưng Mercado tin rằng “vỏ não càng rộng thì càng có nhiều không gian để phân bố các mô vỏ não.” Nói cách khác, Mercado cho rằng khi nói tới tiềm năng trí tuệ thì cái quan trọng không phải là kích thước tuyệt đối hay tương đối, mà là số lượng các mô vỏ não (với các loại tế bào thần kinh khác nhau). Những đặc điểm về cấu tạo và chức năng vỏ não này sẽ quyết định não của chúng ta nhận biết các sự kiện hiệu quả đến đâu. Chính khả năng phân biệt các sự kiện là cái giúp chúng ta học được các kĩ năng nhận thức.
Kết luận nữa rút ra từ nghiên cứu là kinh nghiệm có thể cũng đóng vai trò quan trọng như di truyền trong việc quyết định khả năng trí tuệ. Đặc biệt, thay đổi về cấu trúc của mô vỏ não do kinh nghiệm và sự phát triển tự nhiên gây nên cũng có thể góp phần vào sự khác nhau về trí thông minh của từng cá nhân. Do các hệ thống nơron này phát triển theo thời gian, nên chúng ngày một đa dạng hơn, từ đó dẫn tới sự tăng lên của co dãn nhận thức.
Nghiên cứu này có ý nghĩa quan trọng trong việc cải thiện các kĩ thuật giảng dạy và có thể đem lại những phương pháp hồi phục mới cho các bệnh nhân bị tổn thương não bộ. Ngoài ra, hiểu được các mô vỏ não hoạt động ra sao cũng có thể dẫn tới những cách thức mới làm tăng trí thông minh. Tuy nhiên, Mercado cảnh báo rằng “những kỹ thuật mới làm tăng co dãn nhận thức đi kèm với những mối quan tâm về đạo đức, tương tự như việc sử dụng doping trong thể thao.”