Vỏ trái cây còn có thể cứu mạng sống con người
Vỏ trái cây có thể được sử dụng làm phân bón nhằm thúc đẩy nhận thức về môi trường trên toàn thế giới. Tuy nhiên, thứ đồ bỏ đi này có thể sớm mang một ý nghĩa mới cao hơn - cứu mạng sống con người.
Các nghiên cứu Đại học Quốc gia Singapore vừa phát hiện ra vỏ cà chua và táo có thể được dùng làm màng lọc nước ô nhiễm, khi phế phẩm này có thể lọc được phần lớn kim loại nặng, thuốc trừ sâu và thuốc nhuộm.
Chẳng hạn như, kết quả nghiên cứu hai năm qua cho biết, vỏ của 8 quả cà chua trong một giờ có thể loại bỏ gần như hoàn toàn các ion kim loại nặng như chì trong 1 lít nước. Kết quả này có thể mở đường cho một phương pháp mới tiện dụng và rẻ tiền hơn để lọc nước uống sạch cho gần 800 triệu người trên toàn thế giới hiện vẫn chưa được tiếp cận với nước sạch.
Nhà nghiên cứu Ramakrishma Mallampati và công trình nghiên cứu máy lọc nước bằng vỏ trái cây (Nguồn: Strait Times)
Theo nhà nghiên cứu Ramakrishna Mallampati, công trình này đặc biệt có ý nghĩa quan trọng đối với người dân ở những vùng sâu vùng xa khó tiếp cận với các thiết bị lọc nước và tại những nơi nguồn nước ngầm bị ô nhiễm công nghiệp.
Ông nói: “Hiện có nhiều sản phẩm được bán trên thị trường, song... các nước đang phát triển không thể trang trải nổi những công nghệ tốn kém đó". Một trong số các thiết bị hay được dùng là Lifestraw, một bộ lọc nước cá nhân hình cọng rơm có giá bán lẻ là 25 USD.
Tuy nhiên, vỏ trái cây lại rất sẵn tại khắp nơi trên thế giới do là một phế phẩm trong quá trình chế biến thức ăn.
Hiện nhóm nghiên cứu đang phối hợp với cơ quan quản lý nước Singapore để thử nghiệm xem liệu vỏ trái cây có thể có tác dụng trên quy mô lớn hay không. Kết quả thử nghiệm dự kiến sẽ được công bố vào tháng sau.