Vụ nổ tân tinh bí ẩn cách đây 350 năm
Nghiên cứu mới cho thấy vụ nổ tân tinh năm 1670 giải phóng mức năng lượng gấp 25 lần so với những ước tính trước đó.
Nhóm nhà khoa học quốc tế sử dụng kính viễn vọng Gemini North và phát hiện thông tin mới về một ngôi sao được phát hiện cách đây hàng trăm năm, Science Daily hôm 24/11 đưa tin. Năm 1670, nhà thiên văn Pháp Anthelme Voituret trông thấy một ngôi sao mới lóe sáng trong chòm sao Vulpecula (Hồ Ly). Nó được đặt tên là CK Vulpeculae.
Vụ nổ đánh dấu sự xuất hiện của CK Vulpeculae là một bí ẩn suốt 350 năm. (Ảnh: Đài thiên văn Gemini/NOIRLab/NSF/AURA).
Những tháng tiếp theo, CK Vulpeculae phát sáng gần bằng Polaris, ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Ursa Minor (Tiểu Hùng). Một số nhà thiên văn hàng đầu vào thời kỳ đó theo dõi nó rất cẩn thận. Ngôi sao mờ đi và mất hút sau khoảng một năm.
CK Vulpeculae từng được coi là ví dụ đầu tiên về vụ nổ tân tinh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu từ năm 2015 trở lại đây khiến giới khoa học băn khoăn CK Vulpeculae có thực sự là một vụ nổ tân tinh hay không.
Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi ba nhà khoa học Dipankar Banerjee (Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Vật lý Ahmedabad), Tom Geballe (Đài thiên văn Gemini) và Nye Evans (Đại học Keele) sử dụng kính viễn vọng Gemini North tại Hawaii để quan sát CK Vulpeculae dưới ánh sáng hồng ngoại.
"Việc phát hiện dấu hiệu các nguyên tử sắt dịch chuyển đỏ và dịch chuyển xanh ở rìa ngoài CK Vulpeculae cho thấy tinh vân này đang mở rộng nhanh hơn nhiều so với mức mà các nghiên cứu trước đây chỉ ra", Geballe nói.
"Chúng tôi không ngờ sẽ phát hiện những thứ như vậy. Chúng tôi rất hào hứng khi nhận thấy một số luồng khí di chuyển với tốc độ nhanh ngoài dự đoán, khoảng 7 triệu km mỗi giờ", Banerjee, tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ.
Nhóm nghiên cứu xác định CK Vulpeculae nằm cách Mặt Trời khoảng 10.000 năm ánh sáng, xa gấp 5 lần so với những ước tính trước đây. Điều này cho thấy vụ nổ năm 1670 cũng sáng hơn nhiều, giải phóng năng lượng gấp khoảng 25 lần so với những gì giới khoa học từng nghĩ. Mức năng lượng khổng lồ này đánh dấu sự ra đời đột ngột của CK Vulpeculae 350 năm trước dữ dội hơn một vụ nổ tân tinh bình thường.
"Xét về mức năng lượng giải phóng, nghiên cứu của chúng tôi đặt CK Vulpeculae ở vị trí giữa một vụ nổ tân tinh và siêu tân tinh. CK Vulpeculae là một trong số rất ít những vật thể như vậy ở dải Ngân Hà và chúng ta vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến vụ nổ của nhóm vật thể trung gian này", Evans nói.
Thông tin mới về hình dạng và tốc độ phun khí của CK Vulpeculae có thể giúp giới thiên văn tìm ra tàn dư của những sự kiện tương tự diễn ra ở dải Ngân Hà hoặc thiên hà khác trong quá khứ. "Tại thời điểm này, rất khó để đưa ra một lời giải thích dứt khoát hoặc thuyết phục về nguồn gốc của vụ nổ năm 1670. Dù 350 năm đã trôi qua kể từ khi Voituret phát hiện CK Vulpeculae, bản chất của vụ nổ vẫn là một bí ẩn", Banerjee nhận xét.

Năm ánh sáng là gì? Một năm ánh sáng bằng bao nhiêu km?
Năm ánh sáng là đơn vị đo thông dụng ngoài vũ trụ bao la, rộng lớn. Và người ta thường nhầm lẫn nghĩ rằng đây là đơn vị đo thời gian.

Sẽ ra sao nếu bạn rơi vào hố đen vũ trụ?
Thật khó tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra khi rơi vào một hố đen. Một mô phỏng mới đây đã hé lộ trải nghiệm kinh hoàng này.

Thiên Vương Tinh - Hành tinh kỳ lạ nhất Hệ Mặt Trời
Cho tới khi chưa tìm ra được Hành tinh thứ 9 (chỉ mới là giả thuyết), Thiên Vương Tinh (Uranus) vẫn là hành tinh "khác người" nhất so với 7 hành tinh còn lại của hệ Mặt Trời chúng ta.

Những sự thật "khó tin nổi" về sao Thiên vương
Sao Thiên vương có thể chứa được 63 Trái đất bên trong nó, mùa hè ở đây kéo dài tới 42 năm, sao Thiên vương chỉ có 2 mùa.... đây là những sự thật khó tin, ít người biết về sao Thiên Vương.

Tổng quan về sao Thiên Vương
Sao Thiên Vương là hành tinh thứ bảy tính từ Mặt Trời; là hành tinh có bán kính lớn thứ ba và có khối lượng lớn thứ tư trong hệ.

Hàng tỉ nền văn minh ngoài hành tinh đã và đang tồn tại
Các nhà khoa học tính toán và gần như chắc chắn nhiều nền văn minh ngoài Trái đất đã và đang tồn tại trong vũ trụ này.
