Vụ thảm sát đầu tiên trong lịch sử loài người
Các nhà khảo cổ tìm thấy bộ xương hóa thạch của 27 người săn bắt - hái lượm bị tàn sát thô bạo cách đây 10.000 năm ở Nataruk, gần hồ Turkana, Kenya.
Theo The Telegraph, ngôi mộ thời tiền sử chứa xương cốt bị đập nát của những người săn bắt - hái lượm là bằng chứng chỉ ra vụ thảm sát đầu tiên trong lịch sử loài người và cuộc xâm lược của con người thuở sơ khai.
Phần xương sọ rạn nứt do ngoại lực của một nạn nhân trong vụ thảm sát. (Ảnh: The Telegraph).
Bốn nạn nhân, bao gồm một phụ nữ mang thai, bị trói chặt tay chân trước khi bị giết hại. Những người khác có dấu hiệu bị tra tấn và sát hại tàn nhẫn, trên đầu một số người vẫn còn cắm những lưỡi rìu và mũi tên. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm 20/1 trên tạp chí Nature.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược vẫn còn gây tranh cãi. Nhiều nhà khảo cổ tin rằng phần lớn những người săn bắt - hái lượm sống hòa bình và không phải gây chiến với nhau cho đến sau cách mạng nông nghiệp, khi các bộ tộc tranh giành đất đai và tài sản của nhau. Trước đây, ngôi mộ nạn nhân chiến tranh sớm nhất được tìm thấy tại Darmstadt, Đức, có niên đại khoảng 5.000 năm trước Công nguyên.
Trong ngôi mộ, 27 bộ xương bao gồm ít nhất 8 phụ nữ và 6 trẻ em, 12 bộ xương tương đối hoàn chỉnh và có dấu hiệu tử vong do bạo lực rõ ràng, với hộp sọ, xương gò má bị đập, tay, xương sườn, đầu gối gãy và vết thương do mũi tên gây ra ở cổ. Những đầu mũi tên cắm ở hộp sọ và ngực của hai người đàn ông. Một số bộ xương ở trong tư thế nằm úp sấp với phần mặt biến dạng, có thể do gậy gỗ.
Bộ xương người đàn ông có dấu hiệu bị đánh bằng gậy gỗ. (Ảnh: The Telegraph).
Theo nhóm nghiên cứu, các nạn nhân là một bộ lạc tiền sử bị một nhóm bộ lạc cướp phá tấn công và giết hại. Cuộc thảm sát nhiều khả năng diễn ra cách đây 9.500 - 10.500 năm, vào lúc bắt đầu Thế Toàn Tân sau kỷ Băng Hà cuối cùng. Ở thời điểm đó, khu vực xung quanh Nataruk là một vùng ven hồ màu mỡ giáp đầm lầy và rừng rậm, cung cấp nguồn nước uống và thức ăn phong phú.
"Cuộc thảm sát ở Nataruk có thể là kết quả từ ý đồ cướp bóc nguồn tài nguyên - lãnh thổ, phụ nữ, trẻ em, thức ăn. Nó diễn ra tương tự như trong xã hội nông nghiệp sản xuất thức ăn sau này, nơi tấn công bạo lực trở thành một phần cuộc sống", The Telegraph dẫn lời tiến sĩ Marta Mirazón Lahr ở Trung tâm Nghiên cứu Tiến hóa Loài người ở Cambridge, Anh, tác giả chính của nghiên cứu.