Vui mừng khi gặp tinh tinh bạch tạng, nhưng các nhà khoa học phải chứng kiến cảnh rùng rợn do đồng loại của nó gây ra

Con tinh tinh bạch tạng chỉ vừa chào đời được khoảng nửa tháng đã bị đồng loại giết chết, nhiều khả năng là do diện mạo khác biệt của nó.

Vào ngày 16/7 vừa qua, tạp chí American Journal of Primatology đã công bố nghiên cứu của các nhà khoa học Uganda về cái chết thương tâm của một con tinh tinh bạch tạng trong tự nhiên vô cùng hiếm. Chỉ vài ngày sau khi được phát hiện, con vật đã bị chính đồng loại của nó giết hại.

Được biết, con tinh tinh bạch tạng duy nhất từng được báo cáo là tinh tinh phương Tây (tên khoa học Pan troglodytes verus) tên Pinkie. Nó được tìm thấy khi còn là trẻ sơ sinh trước khi được đưa đến Khu bảo tồn Tinh tinh Tacugama ở Sierra Leone, quốc gia ở Tây Phi, sinh sống cho đến khi đột ngột qua đời ở tuổi lên 9.


Tinh tinh bạch tạng Pinkie.

Vì Pinkie được đưa về khu bảo tồn khi chỉ mới được vài tuần tuổi nên các nhà khoa học đã không có cơ hội chứng kiến sự tương tác của con vật với đồng loại trong thế giới tự nhiên. Vậy nên việc phát hiện con tinh tinh bạch tạng con kia có ý nghĩa vô cùng to lớn với các nhà nghiên cứu, chỉ đáng tiếc số phận của nó quá ngắn ngủi.

Con tinh tinh bạch tạng được phát hiện giữa một quần thể tinh tinh phương Đông (tên khoa học: Pan troglodytes schweinfurthii) trong Khu bảo tồn rừng trung tâm Budongo, Uganda. Thời điểm con vật chào đời vào năm 2018, cộng đồng tinh tinh nơi đây có khoảng 75 cá thể.

Vào tháng 1/2018, một con tinh tinh cái được đặt tên là UP đã mang thai và hạ sinh ra một cá thể sơ sinh đực bị bạch tạng. Dựa vào kích thước và những dự liệu về UP, nhóm nghiên cứu tin rằng thời điểm họ bắt gặp tinh tinh con vào ngày 15/7 cùng năm, con vật chỉ khoảng 2 đến 2 tuần rưỡi tuổi.

Ngày hôm đó, 2 con tinh tinh trưởng thành tình cờ chạm mặt UP và đứa con đặc biệt của nó. Chúng gầm rú lên như thể đang đối mặt với những loài động vật nguy hiểm như rắn, lợn lông rậm... Nhìn thấy phản ứng của 2 con vật trước mặt, UP đã hét lên và ôm con leo lên cây.

1 trong 2 con tinh tinh không bỏ cuộc, nó không ngừng hú hét và đuổi theo. Một vài phút tiếp theo, các con tinh tinh khác kéo đến và có hành động quá khích tương tự. Dù vậy, vẫn có một vài cá thể chọn im lặng và đứng quan sát 2 mẹ con UP một cách cẩn trọng. Một con tinh tinh với dáng vẻ bình tĩnh, tiến đến gần UP và đưa tay chạm vào đối phương.


Những hình ảnh hiếm hoi của con tinh tinh bạch tạng con

UP leo lên cây cùng với đứa con bạch tạng đu trên ngực được một lúc lại leo xuống và ẩn mình trong bụi cây rậm rạp để tránh sự chú ý. Sáng ngày hôm ấy, nhóm nghiên cứu nhìn thấy 2 mẹ con UP một vài lần nữa. Họ nhìn thấy một con tinh tinh trưởng thành vô tình chạm mặt UP và con của nó ở khoảng cách gần và gầm lên dữ dội.

Vài ngày sau, ngày 19/7/2018, con tinh tinh bạch tạng kết thúc cuộc đời ngắn ngủi của mình.

Sáng hôm đó, trợ lý Bosco Chandia và nhà nghiên cứu Maël Leroux, làm việc tại trạm thực địa và đại học Zurich, đã bắt gặp một đàn tinh tinh trưởng thành đồng loạt gào rú. Cùng lúc đó, tiếng hét của tinh tinh con bạch tạng phát ra từ tán cây rậm rạp, có vẻ như nó đang bị đồng loại tấn công. Vì tầm nhìn bị che khuất nên nhóm nghiên cứu không thể nhìn thấy từng cá thể tham gia vào cuộc chiến.

Chẳng bao lâu sau, một con tinh tinh đực tên là HW bước ra từ tán cây và ôm chặt con vật trắng toát áp vào ngực. Cánh tay của tinh tinh con đã bị đứt lìa. Những con tinh tinh khác, bao gồm cả UP, theo dõi theo từng di chuyển của HW. Tất cả đều la hét khi HW trèo lên cao, tay cầm chặt tinh tinh con và bắt đầu cắn vào ngón tay, chân và tai phải của con vật nhỏ hơn. Thời điểm này, UP đã bị đuổi khỏi nơi đó bởi những con đực to lớn.

Vài phút sau, một con cái trưởng thành bế tinh tinh bạch tạng từ tay HW và bắt đầu cắn vào cơ thể con vật đáng thương. Sau khi bị cắn liên tục vào phần đầu, tinh tinh con đã ngừng cử động và có vẻ như nó đã chết.

Sau đó, xác của tinh tinh con được đặt trên một cành cây. Nhiều giờ tiếp theo, những con tinh tinh khác tiếp cận thi thể, ngửi như thể kiểm tra gì đó, thỉnh thoảng cũng có cá thể vuốt ve xác con vật đáng thương. Cuối cùng, các con tinh tinh bỏ đi và nhóm nghiên cứu đã đến thu thập thi thể tinh tinh để mang về nghiên cứu.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy da, lông và mắt của con vật đều thiếu sắc tố da (pigmentation) dẫn đến một vẻ ngoài trắng toát. Con vật nặng khoảng 2,1kg đã chịu tổn thương nặng nề, bao gồm vết thương sâu ở vùng đầu và vết nứt trong hộp sọ để lộ phần mô não bên trong.

Về phản ứng của các con tinh tinh, nhóm nghiên cứu cho biết nó hoàn toàn khác với những trường hợp khác. Thông thường, tinh tinh thường tỏ ra tò mò khi chạm trán con non, chúng sẽ chạm vào và vuốt ve con non cũng như con mẹ. Cảm xúc thường thấy nhất là phấn khích, có chút quá khích nhưng phản ứng đối với con tinh tinh bạch tạng của những cá thể ở trên là khá bất thường.

Cách thức bầy tinh tinh kiểm tra con non bạch tạng sau khi nó chết cũng không hề bình thường. Có vẻ như chúng xem con vật trước mắt là cá thể khác giống loài hoặc ít nhất là một "kẻ ngoại lai" đến từ vùng đất khác.

Vì thời gian quan sát không nhiều nên nhóm nghiên cứu chỉ có thể phỏng đoán chứ không khẳng định con tinh tinh bạch tạng bị giết vì vẻ ngoài khác biệt của nó. Nguyên nhân khác bởi vì bầy tinh tinh trên từng có tiền sử giết đồng loại không hề mắc bệnh bạch tạng. Đối với Pinkie, các nhà khoa học cũng không có nhiều ghi chép về sự tương tác của nó với đồng loại ở môi trường hoang dã. Do đó, đến nay, người ta vẫn không rõ liệu phản ứng của cộng đồng tinh tinh đối với một con non bị bạch tạng được coi là điển hình hay bất thường.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất