'Tụy nhân tạo' - hy vọng mới cho người bị tiểu đường
Các chuyên gia Boston (Mỹ) vừa chạy thử nghiệm "tụy nhân tạo" - thiết bị giúp bệnh nhân tiểu đường type 1 tự động kiểm soát được lượng đường trong máu.
Người bị tiểu đường phải kiểm soát thật tốt lượng đường trong máu nếu không muốn gặp các biến chứng nguy hiểm. |
Hệ thống này - bao gồm một monitor glucose, hai chiếc bơm và một máy tính xách tay - được thiết kế để bắt chước cơ chế kiểm soát đường tự nhiên của cơ thể (khi lượng đường lên cao hoặc xuống thấp).
Sau thử nghiệm, 11 người trưởng thành tham gia nghiên cứu đều có mức đường được kiểm soát tốt mà không bị giảm glucose huyết (một biến chứng thường thấy nhất trong bệnh tiểu đường do dùng quá liều insulin và không đủ carbonhydrate)..
Theo Xinhua, so với các thử nghiệm trước, hệ thống tụy nhân tạo này không chỉ sản xuất ra insulin mà còn tạo ra hoóc môn điều chỉnh có tên gọi glucagon, giúp cho các bệnh nhân đạt được lượng đường trong máu gần như bình thường trong hơn 24 giờ.
"Đây là thiết bị tụy nhân tạo đầu tiên sử dụng đồng thời cả insulin và glucagon", tiến sĩ Steven Russell, từ Bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết.
Ông cũng cho rằng thiết bị nhân tạo chỉ sử dụng insulin có thể sẽ xuất hiện trên thị trường trong khoảng 5 năm tới. Và thiết bị sử dụng cả hai hoóc môn này sẽ ra đời sau vài năm.