4 bài học 'đắt hơn vàng' của Tào Tháo, đơn giản nhưng có thể thay đổi cả đời bạn
Tuy Tào Tháo thường gắn liền với danh xưng kẻ tiểu nhân, bất nhân bất nghĩa, nhưng không ai có thể phủ nhận tài năng của con người này. Những bài học đắt giá mà ông để lại vẫn còn được áp dụng cho tới ngày nay.
Tào Tháo là nhà chính trị quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc.
Ông lập nên đại nghiệp với tài năng quân sự và bản lĩnh thao lược cầm quân của bản thân, từ một tể tướng dưới một người - trên vạn người, sau này trở thành người đứng đầu thế lực duy nhất của phương Bắc.
Nói không ngoa khi nhận xét rằng, Tào Tháo chính là một cao thủ bậc nhất thời Tam Quốc.
Dù là Gia Cát Lượng mưu trí hơn người cũng phải dè chừng từng phút từng giây, dù là Tư Mã Ý với mưu sâu kế hiểm cũng phải trốn tránh chờ thời.
Chính vì lẽ đó, từ đường lối tư duy và những quyết định của Tào Tháo, người ta luôn có thể khai thác được nhiều bài học sâu xa, tưởng là đơn giản, nhưng lại “đắt như vàng” với người biết áp dụng vào cuộc sống và sự nghiệp.
1. Đầu tiên, kẻ thù của kẻ thù là bạn
Khi Tào Tháo muốn chinh phạt Viên Thuật, ông nhận thấy mâu thuẫn ngày càng gay gắt giữa Lữ Bố và Viên Thuật, ông đã lập tức quyết định việc mượn sức và bắt tay Lữ Bố.
Bớt đi một đối thủ, lại nhiều thêm một đồng minh trợ lực từ bên cạnh, cớ sao không làm?
Cho nên, bản thân muốn làm nên đại sự thì phải suy ngẫm và xác định rõ các mối quan hệ ưu và nhược, lợi và hại trong một vấn đề.
Ở thời điểm mà năng lực không đủ cao thì phải nhìn tới tương lai xa hơn, chứ không chỉ dừng ở hiện tại.
Phải biết tận dụng chính sức mạnh của người khác, thậm chí là sức mạnh của đối thủ cho mục đích của bản thân, biết cách thay đổi bản thân tùy theo thời thế.
2. Thứ hai, quan trọng nhất không phải là “suy nghĩ” mà là “hành động”
Chỉ phát hiện ra thì chưa giỏi, mà người giỏi là người lập tức bắt tay hành động, phản ứng thật nhanh trước những gì mình đã phát hiện.
Khi Đổng Trác vào kinh đô Lạc Dương, bắt ép thiên tử, điều khiển triều đình, gây họa bách tính, ai cũng khóc lóc thương cảm.
Chỉ có Tào Tháo một mình xách đao muốn đi hành thích. Khi ông đang định đâm lén lúc Đổng Trác nghỉ trưa bất thành, Tào Tháo không nghĩ nhiều, nhanh chóng quỳ xuống dâng tặng bảo đao trên tay rồi lập tức rời đi.
Sau này Đổng Trác bị giết, người có thực lực cao nhất lúc đó không phải Tào Tháo thì chính là Viên Thiệu.
Lúc ấy, Viên Thiệu hoàn toàn có đủ khả năng để giành thiên tử về tay mình, nhưng lại có quá nhiều điều băn khoăn, lo sợ trước những biến số còn chưa xảy ra.
Tận dụng thời gian mà Viên Thiệu còn đang do dự, Tào Tháo đã nắm bắt chính xác thời cơ, “tiên hạ thủ vi cường” mà đưa thiên tử về Hứa Xương.
Từ nay, ông ép thiên tử để lệnh chư hầu, bản thân làm thừa tướng chứ không soán ngôi tự lập, thành hùng chủ một phương.
Cùng đối mặt với cơ hội tương đương nhau nhưng sự do dự, thiếu quyết đoán trong hành động của Viên Thiệu đã khiến ông “xôi hỏng bỏng không”, thua trắng một nước cờ so với phe phái đối thủ.
Cho nên mới nói, hành động thực tế luôn quan trọng hơn suy nghĩ trong đầu. Nghĩ được mà không dám làm thì không thể có cơ hội thành công. Quả cảm xuất kích, bắt chuẩn thời cơ mới là quan trọng nhất!
3. Thứ ba, khi thời cơ đến thì tuyệt đối đừng bỏ lỡ
Thắng bại trong sự lựa chọn giữa Tào Tháo và Viên Thiệu chủ yếu được quyết định bởi cách nắm bắt cơ hội khác nhau giữa hai người họ.
Cuộc thảo phạt Công Tôn Toản của Viên Thiệu chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, quân đội không có đủ thời gian nghỉ ngơi và hồi phục, lương thảo thì không tích trữ sung túc.
Ngược lại, Tào Tháo đã sớm chuẩn bị xong ngay từ đầu, tính toán đúng chuẩn khi thời cơ vừa hé lộ, ông dốc toàn lực để nắm bắt và giành phần thắng lớn hơn.
Người xưa có câu: “Phàm là việc gì có sự chuẩn bị trước thì thành công, còn không chuẩn bị trước tất sẽ thất bại.”
Cơ hội chỉ dành cho người đã chuẩn bị chứ không dậm chân tại chỗ để chờ đợi người khác.
Đại đa số những kết quả sai sót hay thất bại cuối cùng đều có một phần lỗi đến từ sự chuẩn bị không đầy đủ, do đó, muốn gặt hái thành công, bước đầu chúng ta bắt buộc phải chuẩn bị chu đáo thì mới có được.
Nếu chỉ dựa vào thiên phú, tài năng và ưu thế trời cho thì rất khó có thể trở thành anh hùng, ít nhất phải có cả vận may nữa.
Vận may ở đây chính là cơ hội, không phải lúc nào cũng có, nhưng nếu bạn biết nắm bắt và tận dụng thì sẽ có khả năng đạt nhiều thành công hơn nữa.
Còn nếu bỏ qua hoặc không có được cơ hội thích hợp thì bất kỳ một anh hùng vĩ đại nào cũng có thể thất bại.
4. Thứ tư, trong mọi việc, phải nghĩ ba bước trước khi tiến một bước
Khi đối đầu với Viên Thiệu, Tào Tháo đã cân nhắc ưu khuyết điểm của mình và chủ động nhường chức Đại Tướng quân để tập trung kiểm soát tốt hơn quyền lực trong tay mình.
Lúc sau, Tào Tháo nhân danh Hoàng đế hủy bỏ chức vị tam công, khôi phục chức Thừa tướng của bản thân, cao hơn chức vị Đại Tướng quân trong tay Viên Thiệu hiện tại.
Ở những cương vị quan trọng trong triều đình, ông cũng phân bổ rất nhiều người của phe mình.
Tào Phi cũng được Tào Tháo đưa lên giữ chức Ngũ quan Trung lang tướng, tức Phó thừa tướng nhà Hán.
Từng bước một, ông đem quyền lực khống chế trong tay rồi ép Thiên tử hạ chiếu xác nhập mười bốn Châu trong thiên hạ thành Cửu Châu.
Tiếp đến, Hán Hiến Đế Lưu Hiệp sắc phong Tào Tháo làm Ngụy Vương, ấp 3 vạn hộ, chức trên các chư hầu. Lúc này, ngoại trừ xưng Đế trên danh nghĩa thì Tào Tháo thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay, không khác gì một vị đế vương thực sự.
Có thể thấy rằng, để khống chế cục diện triều chính, ngay từ đầu, Tào Tháo đã lên kế hoạch toàn bộ đường đi nước bước, lùi một bước để tiến ba bước.
Với sự khôn khéo này, quả thực, Tào Tháo chính là "nhất đại kiêu hùng" thời Tam Quốc, nửa đời đứng trên đỉnh cao quyền lực bằng chính tài năng và bản lĩnh của mình.