4 bí ẩn phong thủy tại Trung Hoa: Tê giác trấn mạch sông, 9 rồng đỡ cột trụ
Tương truyền khi vua Càn Long muốn xây dựng một khu vườn lớn ở nơi có phong cảnh tuyệt đẹp của thành Bắc Kinh, có người nói với ông rằng bên dưới chân núi Vạn Thọ có ngôi mộ cổ không thể động tới, là nơi an táng một vị vương phi đời nhà Minh.
Thứ nhất, là bởi lời di huấn của tổ phụ để lại rằng, từng ngọn cây, từng cọng cỏ của các ngôi mộ tiền triều đều phải bảo vệ. Nguyên nhân vì người Nữ Chân vốn giành được thiên hạ từ tay Lý Tự Thành chứ không có thù hận gì sâu nặng với tiền triều.
Thứ hai, vị phi tử đó năm xưa không phải là người thiện lương nên mộ của bà ấy tốt nhất cũng không nên động vào.
Tuy nhiên vua Càn Long vẫn nửa tin nửa ngờ. Ông lệnh cho quân sĩ khai quật lăng mộ của vị phi tần nọ. Chỉ đến khi tận mắt nhà vua đọc được dòng chữ được khắc bên ngoài: “Ngươi không động đến ta, ta cũng không động đến ngươi“. Nhà vua lập tức hiểu được trọng lượng của câu nói này, lập tức hạ lệnh cho người lấp đất trở lại và xây dựng một đền thờ lớn ở trên núi Vạn Thọ Sơn để trấn yểm những quỷ hồn nơi đây.
Trấn thủy thần thú tại Tứ Xuyên bị khai quật và hậu quả khôn lường
Trấn thủy thần thú.
Đầu năm 2013 ở công trường tu sửa rạp kịch Tứ Xuyên tại quảng trường Thiên Phủ, chính giữa trung tâm thành phố Thành Đô, có một thần thú bí ẩn bất ngờ lộ thiên và thu hút sự chú ý của rất nhiều người. Qua khảo sát, các nhà khảo cổ học đã xác định rằng thần thú bằng đá này có niên đại cách chúng ta khoảng 2.000 năm.
Tương truyền vào năm 1973, thần thú này đã được phát hiện. Tuy nhiên người thời đó không đào lên mà tiếp tục chôn lại xuống đất. Nhưng rồi cuối cùng thần thú trấn yểm cũng không thoát khỏi ham muốn chinh phục, tìm tòi của con người thời đại ngày nay. Tạo hình của thần thú trấn thủy rất bình thường, trên được khắc nhiều hình vòng đám mây. Rất nhiều người ngăn cản khuyên đừng đào thần thú lên nhưng quan chức địa phương lại cho rằng đó là vật mê tín dị đoan, nên đã cho khai quật và chuyển về bảo tàng di chỉ Kim Sa trong thành phố.
Theo ghi chép trong “Thục Vương bổn kỷ” và “Hoa Dương quốc chí Thục chí”, Thục Thủ Lý Băng của Tần triều khi cho tu sửa con đập Đô Giang đã ra lệnh làm 5 con tê giác để trấn thủy. Thần thú được đặt vào các vị trí khác nhau để tạo thành “Thần thú phong thủy trận”, áp chế thủy tinh.
Từ xưa tới nay, thần thú luôn là yếu tố quan trọng có ảnh hưởng tới phong thủy. Trước cửa các nhà giàu có thời xưa thường dùng sư tử đá để trấn trạch, còn trong các hoàng cung thường dùng các loại thụy thú để trấn trạch. Trong các loại kiến trúc cổ xưa từ mái ngói úp cho tới mái hiên đâu đâu cũng có thể thấy được hình dáng của các loại thần thú phong thủy. Vậy một khi đào các loại thần thú đó lên rồi chuyện gì sẽ xảy ra?
Ngày 8/7/2013 mưa lớn liên tục khiến Thành Đô ngập chìm trong biển nước. Theo báo cáo từ chính quyền Tứ Xuyên, trận lụt đã khiến 907.000 người gặp nạn. Ngày 10/7, đập Đô Giang sụp đổ gây sạt lở đất nghiêm trọng, ba cây cầu lớn ở quốc lộ số 3 bị chìm trong biển nước.
Theo thống kê có 62.000 người phải sơ tán đến nơi an toàn, hơn 400 căn nhà bị sập hoàn toàn và 68.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, trên 412.000 ha đất canh tác cùng hoa màu và nông sản bị thiệt hại nặng nề. Thiệt hại kinh tế ước tính lên đến 3 tỷ 350 triệu nhân dân tệ. Mọi người đều tin rằng đó chính là do việc chính quyền thành phố khai quật trấn thủy thần thú ra khỏi “Thần thú phong thủy trận” nên mới phải hứng chịu hậu quả nặng nề như vậy.
“Cửu Long trụ” dưới đường cao tốc trên cao ở Thượng Hải
Cận cảnh Cửu Long trụ ở nút giao phía Đông Tây và Bắc Nam đường trên cao ở Thượng Hải.
Các quan chức tỉnh Tứ Xuyên cả gan dám đào thần thú trong “phong thủy trận” còn người Thượng Hải lại xây “Cửu long trụ” có một không hai của đường cao tốc trên cao. Đại đa số người dân Thượng Hải và những người lái xe taxi đều biết rằng “Cửu long trụ” này chính là vật chống đỡ quan trọng nhất của Thượng Hải và là nút giao của đường cao tốc trên cao nối phía Đông Tây và Nam Bắc.
Những năm 90, thành phố Thượng Hải bắt đầu thực hiện công trình cầu vượt trên cao. Vào năm 1999, khi cho khoan cột trụ ở nút giao đường trên cao nối phía Đông Tây và Nam Bắc, người ta đã không cách nào khoan sâu xuống được. Nếu xét về địa chất, Thượng Hải nằm ở bình nguyên được tích tụ tại ngã ba sông Trường Giang. Đây vốn không phải là địa tầng phức tạp nhưng bằng các kỹ thuật tiên tiến và máy móc hiện đại vẫn không thể khoan được cọc trụ tại vị trí này.
Công trình tạm thời bị dừng lại, có người nói phải chăng đã liên quan đến vấn đề long mạch và cần phải mời thầy phong thủy về xem. Ý kiến này lập tức bị các chuyên gia kỹ thuật phản đối: “Khoa học phát triển, con người còn chinh phục được cả vũ trụ, mới gặp chút khó khăn ở công trình đã nghĩ đến cầu thần tiên thì quá mê tín!“. Thế là công trình lại tiếp tục bắt đầu với những kỹ sư giỏi nhất và những mũi khoan cứng nhất, thậm chí cả lãnh đạo cũng đích thân xuống tận nơi chỉ đạo để đảm bảo cột trụ được đặt theo đúng tiến độ, nhưng kỳ lạ thay vẫn không thể khoan được.
Thư ký ủy ban nhân dân thành phố Thượng Hải lúc bấy giờ là Hoàng Cúc vì không còn cách nào khác đã đi ngầm hỏi và mời một vị cao tăng đến (Có người nói đó là Trân Thiền Đại Sư phương trượng của chùa Ngọc Phật ở Thượng Hải, lại có người nói đó là cao tăng của chùa Long Hoa). Sau khi quan sát kỹ nơi này vị cao tăng chỉ nhắm mắt chắp tay hồi lâu và nói:
“Bên dưới là một con cá sấu lớn thành tinh (cũng chính là vị trí đầu rồng long mạch của thành phố Thượng Hải). Mũi khoan đã khoan lên lưng cá sấu nên đã không thể khoan được, chỉ có cách duy nhất lập đàn làm phép di chuyển cá sấu ra nơi khác”.
Ban đầu vị cao tăng kiên quyết không đồng ý thực hiện việc di dời này và nói hậu quả sau đó rất nghiêm trọng. Nhưng với lời khẩn cầu thống khổ của Hoàng Cúc trong nhiều ngày vị cao tăng động tâm phàm và đồng ý. Sau khi làm pháp sự 7 ngày 7 đêm liên tiếp, cá sấu thành tinh cuối cùng cũng được thả. Sau khi chọn ngày, chọn giờ phía nhà thầu tiếp tục khoan, không ngờ việc khoan cột trụ diễn ra vô cùng suôn sẻ đúng theo thiết kế và tiến độ.
Cột trụ hình rồng ở nút giao đường trên cao ở Thượng Hải.
Phía nhà thầu vô cùng vui mừng mua lễ vật đến chùa để cảm tạ cao tăng nhưng vị trụ trì buồn rầu đáp rằng: “Bản thân ta làm phép thả cá sấu thành tinh ra đã phạm phải luật trời, vài ngày sau chắc chắn ta sẽ chết”. Vị cao tăng còn dặn nhà thầu phải nhớ khắc hình 9 con rồng lên cây cột chính đó để cứu vãn chút tổn thất. Quả nhiên, mấy hôm sau, vị cao tăng viên tịch.
Câu chuyện này được lưu truyền từ rất lâu và rộng rãi ở Thượng Hải. Chính người phụ trách kỹ thuật xây công trình này thậm chí còn lên báo bác bỏ, cho rằng đây chỉ là những tin đồn nhảm. Nhưng rất ít người tin lời ông ta nói bởi có một điều khó giải thích được rằng: Vì sao chỉ có một cây cột trụ đơn giản mà phải huy động đến hàng trăm kỹ sư tập trung tại đây? Hơn nữa, giữa toàn bộ công trình bằng xi măng, tại sao cây cột trụ nối đoạn giao Nam Bắc với Đông Tây của đường vượt trên cao lại có hoa văn rồng bằng kim loại?
Miếu nương nương ở đỉnh phía bắc của Điểu Sào
Miếu Nương Nương ở gần Thủy Lập Phương.
Bên cạnh Điểu Sào có ngôi miếu Nương Nương rất lớn, đây là địa chỉ văn vật được thành phố Bắc Kinh xếp hạng cần phải bảo tồn. Trước đây, khi khởi công xây dựng “Thủy lập phương” (trung tâm bơi lội quốc gia), người ta đã cho dỡ bỏ miếu cũ được xây dựng từ triều Minh. Vào 3h chiều 27/8/2004 sau khi mấy công nhân dỡ hai chái của đỉnh Bắc miếu thì bỗng dưng gần Điểu Sào xuất hiện trận lốc xoáy lớn bất ngờ.
Theo báo cáo của “Bắc Kinh kỷ sự” một trận gió lốc đen quẩn trên không bao trùm toàn bộ công trình “Thủy Lập Phương”. Cơn lốc cao khoảng 7-8 m với vòng tròn đường kính khoảng 3-4 m. Cơn lốc quét qua cuốn theo rất nhiều cát, sắt lá, lá tôn ở công trình lên cao mười mấy mét trên không trung. Chỉ trong phút chốc cơn lốc đã san phẳng hoàn toàn các công trình hiện có tại công trường, ngoài ra còn khiến 44 người bị thương và 2 người bị chết.
Khi toàn bộ các công trình đang được xây dựng đều bị san phẳng trong cơn lốc xoáy thì có một điều vô cùng bất ngờ là những vị trí ở Bắc đỉnh miếu Nương Nương mà cơn lốc đi qua lại không hề bị thiệt hại gì. Điều này khiến mọi người vừa cảm thấy khó hiểu vừa kinh hãi, tuy nhiên công trình vẫn tiếp tục được tiến hành theo kế hoạch.
Hình ảnh cơn lốc xoáy.
Ngay hôm sau, một chuyện ly kỳ khác tiếp tục xảy ra. Tại hiện trường thi công Thủy Lập Phương, người ta đào thấy một cái hố rất lớn. Vài công nhân hiếu kỳ đã âm thầm chui vào thám thính, phát hiện ra bên trong toàn là rắn đang sống. Công trình được lệnh ngừng thi công, đêm hôm đó bỗng dưng khu vực Điểu Sào và Thủy Lập Phương mất điện không rõ nguyên nhân. Trong đêm tối mọi người nhìn về phía miếu Nương Nương vẫn thấy sáng trưng như đang có điện mà trên thực tế ở đây không hề có điện.
Ngay đêm hôm đó, chỉ huy công trình đã cho triệu tập mọi người cùng nghiên cứu, còn mời cả chuyên gia phong thủy, cuối cùng đưa ra quyết định: Phải giữ lại miếu Nương Nương của Minh triều, đồng thời khôi phục lại nguyên mẫu. Công trình đã buộc phải di dời về phía Bắc 100m để trả lại đất cho miếu Nương Nương. Sau khi xây lại miếu, công trình thi công rất thuận lợi, suôn sẻ.
Đổi tuyến tàu điện ngầm số 5 ở Bắc Kinh
Giếng cổ tương truyền nơi Long Vương bị nhốt.
Theo truyền thuyết, ở Bắc Kinh, cầu Bắc Tân có một cái giếng tên là “Tỏa Long”, đáy giếng có một Hải nhãn, tức là đôi mắt của biển cả. Cả vùng đất có một cái lỗ giống như một miệng giếng không đo được mực nước sâu hay nông. Không những vậy tiếng nước trong giếng còn chảy róc rách, tương truyền là cái giếng này thông tới đáy biển. Đây chính là con mắt từ biển cả được đưa tới đất liền.
Truyền thuyết kể rằng, lão Long Vương muốn nhấn chìm thành Bắc Kinh nên bị Lưu Bá Ôn giáng phục dùng xích sắt khóa tại cửa giếng. Lưu Bá Ôn để lại lời rằng, đợi cây cầu cũ gãy thì sẽ thả Long Vương ra. Mọi người đã không sửa lại cầu mà chỉ xây ngôi miếu Nhạc Vương lên trên miệng giếng và đặt tên nơi đây là “Bắc Tân Kiều”. Cũng chính vì thế cây cầu này không thể cũ được cho nên lão Long Vương mãi mãi bị nhốt ở đây.
Truyền thuyết cũng kể rằng không ai được phép động vào sợi xích sắt ở đây nếu không Bắc Kinh sẽ bị ngập. Nghe nói trong chiến tranh Trung – Nhật, quân Nhật từng bắt người dân đến kéo cái xích ở trong giếng, nhưng kéo mãi không thấy hết, chỉ thấy nước đen ngòm đùn từ giếng lên đầy mùi hôi thối. Quân Nhật sợ quá vội vàng thả dây xích lại rồi cho đậy kín giếng không dám động đến. Sau này, trong cuộc Cách mạng văn hóa, Hồng vệ binh cũng từng kéo xích một lần và kết quả cũng không hơn gì.
Vị trí của giếng này vốn gần với tuyến đường tàu điện ngầm số 5. Khi tu sửa tuyến tàu điện ngầm này, Bắc Kinh từng ra lệnh cần phải nắn chỉnh đường ray để tránh xa vị trí giếng cổ. Bởi từng nghe chuyện về lính Nhật và hồng vệ binh động vào giếng cổ nên chính quyển Bắc Kinh đã không dám mạo phạm.