Ấn Độ chấm dứt sứ mệnh thám hiểm mặt trăng
Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ vừa quyết định chấm dứt chuyến thám hiểm mặt trăng, sau khi các nhà khoa học mất liên lạc hoàn toàn với tàu vũ trụ Chandrayaan-1.
"Mọi nỗ lực nối lại liên lạc đã thất bại. Sứ mệnh thám hiểm mặt trăng kết thúc", S. Satish, người phát ngôn của Cơ quan Nghiên cứu không gian Ấn Độ (ISRO), phát biểu với Reuters.
Việc liên lạc với tàu Chandrayaan-1 bị cắt đứt vào sáng sớm ngày 29/8. Nguyên nhân của sự cố đang được điều tra.
Phi thuyền không người lái trị giá 79 triệu USD được phóng lên quỹ đạo mặt trăng vào tháng 10 năm ngoái. Vụ phóng đưa Ấn Độ trở thành cường quốc vũ trụ ở châu Á cùng với Trung Quốc. Một tháng sau, tàu Chandrayaan-1 đưa một thiết bị thăm dò xuống mặt trăng để gửi hình ảnh về bề mặt của hành tinh này về trái đất.
Ảnh minh họa tàu vũ trụ Chandrayaan-1 trên quỹ đạo mặt trăng. (Ảnh: spacepin.org) |
Nhưng một cảm biến quan trọng trên tàu ngừng hoạt động vào tháng 7. Sự cố khiến nhiều nhà khoa học lo ngại chuyến thăm dò mặt trăng đầu tiên - dự kiến kéo dài 2 năm - sẽ kết thúc trước thời hạn.
Một trong số những nhiệm vụ chính của phi thuyền là tìm kiếm Heli 3 - một đồng vị của Heli. Nguyên tố này khá hiếm trên địa cầu song người ta hy vọng nó rất sẵn trên mặt trăng. Trong tương lai Heli 3 có thể trở thành nguyên liệu quan trọng trong phản ứng nhiệt hạch (quá trình mà trong đó các hạt nhân nguyên tử kết hợp với nhau để tạo nên hạt nhân lớn hơn).
Satish cho hay ISRO đã sẵn sàng cho việc phóng tàu không người lái Chandrayaan-2 lên mặt trăng vào năm 2012. Sau đó Ấn Độ sẽ đưa tàu có người lái vào vũ trụ và sao Hỏa.