Ấn Độ ưu tiên “bếp sạch” để chống biến đổi khí hậu
Cặm cụi nhét phân bò khô để chiếc bếp đất sét đỏ lửa, Kamlesh buộc phải hít vào luồng khói cuồn cuộn, đôi mắt cay xè, cổ họng đau và ngứa là những gì cô cũng như hàng trăm triệu phụ nữ nội trợ tại Ấn Độ phải trải qua khi nấu ăn. Việc liên tục phải tiếp xúc với khói ô nhiễm khói từ trong nhà là nguyên nhân tử vong của 4,3 triệu người trên khắp thế giới hàng năm và đặc biệt trong đó có 30% là người Ấn Độ. Ngoài ra khói bếp bao gồm carbon đen chính là một trong những tác nhân hàng đầu dẫn đến ô nhiễm môi trường.
Do vậy, trong nhiều thập kỷ qua, chính phủ Ấn Độ đã nỗ lực tuyên truyền, khuyến khích người dân sử dụng các loại "bếp sạch" như bếp khí hóa sinh khối, bếp điện, bếp dầu... nhưng mới gặt hái được thành quả rất khiêm tốn. Neha Juneja, giám đốc một công ty đồ gia dụng thân thiện với môi trường chia sẻ: "Một gia đình hiện đại điển hình tại Ấn Độ sẽ có tivi, vài chiếc điện thoại di động... nhưng căn bếp của họ thì vẫn giữ nguyên như 50 năm trước".
Ấn Độ liệt kê "bếp sạch" là một phần trong hành động quốc gia chống biến đổi khí hậu và đã đệ trình điều này tới Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP21). Trên thực tế, chương trình bếp sạch đã manh nha tại Ấn Độ từ những năm 50 của thế kỷ trước, nhưng trong những năm 1980 vẫn có khoảng 700 triệu người đốt gỗ và phân bò để nấu ăn.
Một phụ nữ hướng dẫn nấu bằng khí hóa sinh khối tại Mumbai. (Ảnh: AP).
Tuy nhiều chuyên gia đánh giá việc chuyển đổi bếp nấu ăn không thể tạo ra đột phá đáng kể với môi trường nhưng Ấn Độ khẳng định rằng đó là bước đi chiến lược để cứu mạng sống và đảm bảo cân bằng năng lượng cho người nghèo. Để thể hiện quyết tâm, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Ấn Độ Piyush Goyal khẳng định cơ quan này ưu tiên hỗ trợ những người "đã chối từ năng lượng sạch trong nhiều năm trời", được biết gần 2 triệu người Ấn Độ đã khước từ đề nghị thay bếp này.
Những người phụ nữ nghèo ở độ tuổi trung niên như Kamlesh vẫn luôn hoài nghi. Cô cũng như bao người dân khác ở Ganora Sheikh, một ngôi làng thuộc phía Bắc Ấn Độ chỉ cách New Delhi 80km, lại không quan tâm lắm đến chuyện biến đổi khí hậu hay tan băng ở nơi nào đó xa xôi. Họ chỉ tự hỏi tại sao cần phải chi 30 USD tới 60 USD cho chiếc bếp lò trong khi có thể nhóm lửa bằng gỗ trong rừng miễn phí.
Thêm vào đó, loại bánh mì phổ biến nhất ở miền bắc Ấn Độ là roti và naan thường không có vị khói đặc trưng nếu chế biến trong bếp dầu hoặc bếp ga. Kamlesh than thở: "Nếu không thể nấu roti thì chúng tôi sẽ ăn gì đây? Không gì có thể thay thế được roti".
Bên cạnh đó, lợi ích về chống biến đổi khí hậu khi thay bếp cũng không thể đạt độ tuyệt đối hoàn hảo bởi chính bếp ga cũng sản sinh ra methane, một khí gây ra hiệu ứng nhà kính còn bếp điện cũng có thể trở thành "tội đồ" bởi tại Ấn Độ phần lớn điện được sản xuất từ nhà máy điện than.
Nhưng sự nỗ lực của chính phủ Ấn Độ về "bếp sạch" cũng đem tại hiệu ứng tích cực như Rekha Devi, một người nội trợ tại Ganora Sheikh, đã vui sướng tột độ với chiếc bếp lò mới. Đến nay cô chỉ mất một nửa thời gian so với trước kia để nấu bữa tối. Cô còn có thể chuyển bếp vào nhà khi trời mưa. Bức tường không còn bị ám đen bởi vết bồ hóng và căn bếp không còn mù mịt khói như trước đây. Người phụ nữ 40 tuổi này khẳng định: "Mọi thứ đã tốt đẹp hơn".
Vấn đề này không chỉ giới hạn trong phạm vi ở Ấn Độ mà các quốc gia như Trung Quốc và Ethiopia cũng đang đẩy mạnh chương trình "bếp sạch". Ở Nigeria, nơi việc phá rừng đã trở thành vấn nạn thì vào năm 2014 chính phủ cho biết sẽ cung cấp 750.000 bếp lò để tránh việc người dân khai thác gỗ quá đà.