Anh lần đầu tiên phẫu thuật thành công cấy ghép tim chết
Phẫu thuật cấy ghép tim ngừng đập đã được tiến hành thành công bởi các bác sỹ tại bệnh viện Papworth, Anh. Đây cũng là một kỳ tích y học được ghi nhận lần đầu trên toàn Châu Âu.
- Nga lần đầu cấy ghép đồng thời tim phổi thành công
- Tạo thành công van tim từ tế bào mầm
Phẫu thuật cấy ghép tim chết lần đầu thành công tại Anh
Phẫu thuật cấy ghép tim vốn là một quá trình vô cùng khó khăn và nguy hiểm và việc hiến tặng tim thường xảy ra trong trường hợp một người đã chết não nhưng tim vẫn còn đập. Thế nhưng trường hợp này, bộ phận hiến tặng được chuyển đến từ một người hiến xác trong tình trạng tim và phổi đã ngừng hoạt động.
Nhóm phẫu thuật do bác sĩ Stenphen Large đứng đầu tại Bệnh viện Tim Phổi Papworth đã dành hơn một thập kỷ nghiên cứu về kỹ thuật ghép tim này trước khi thực hiện thành công ca phẫu thuật nói trên đầu tháng Ba này. Bệnh nhân được thay tim là Huseyin Ulucan, 60 tuổi, ở thủ đô London. Ông Ulucan bị một cơn đau tim vào năm 2008 và trước khi được phẫu thuật, ông gần như không thể đi lại. Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Ulucan chỉ mất 4 ngày ở phòng hậu phẫu và sức khỏe hồi phục rất tích cực. Các bác sĩ cho biết hiện bệnh nhân đã có thể tự mình đến tái khám ở bệnh viện và chất lượng sống đang được cải thiện rõ rệt.
Bệnh nhân được phẫu thuật cấy ghép tim chết. (Ảnh Daily Mail)
Đối với việc ghép một quả tim không còn đập, việc đáng lo ngại là nó không thể phối hợp vận hành thận, gan và các bộ phận khác trong cơ thể người nhận vì nó đã bị tổn thương. Thành công của ca phẫu thuật này là nhờ vào việc sử dụng thiết bị chăm sóc nội tạng (Organ Care System), còn được biết đến như “chiếc hộp tim”, sử dụng ở bệnh viện St Vincent, Sydney vào năm ngoái, để cấp cứu cho một quả tim ngừng đập 20 phút. Trong ca phẫu thuật thay tim cho bệnh nhân Ulucan, các bác sĩ sử dụng tim của người hiến tặng đã không còn khả năng tuần hoàn.
Thiết bị chăm sóc nội tạng (OCS) giúp phục hồi chức năng quả tim trước khi thực hiện cấy ghép tim
Ngay sau khi tiếp nhận cơ thể hiến tặng, các bác sỹ dùng siêu âm để đánh giá chức năng của quả tim đã được tái khởi động trong 50 phút trước khi quyết định quả tim đó có đủ điều kiện cấy ghép cho bệnh nhân thay tim hay không. Tiếp đó, họ sẽ lấy quả tim ra khỏi cơ thể người hiến tặng và đặt nó trong một hệ thống chăm sóc nội tạng, còn được gọi là máy "quả tim trong hộp". Quả tim được "nuôi" bằng máu và các dưỡng chất khác để tiếp tục đập trong 3 giờ đồng hồ diễn ra ca phẫu thuật.
Các bác sỹ hy vọng với thành tựu y học trên, số lượng tim hiến tặng phù hợp cho bệnh nhân chờ ghép tim sẽ tăng đáng kể và nhờ đó sẽ có thêm nhiều bệnh nhân tim được cứu sống.