Australia nhân giống đội quân ốc tù và chống sao biển
Đội quân ốc tù và sẽ là phương án tiếp theo được chính phủ Australia sử dụng để cứu rạn san hô Great Barrier Reef.
Chính phủ Australia tuyên bố cấp vốn để nhân giống hàng nghìn chiến binh ốc tù và nhằm ứng cứu rạn san hô Great Barrier Reef đang trên đà kiệt quệ, AFP ngày 18/9 dẫn lời các quan chức cho biết.
Một cuộc nghiên cứu năm 2012 trên khu vực san hô dài 2.300km của Australia cho thấy độ bao phủ của san hô đã giảm một nửa trong 27 năm qua. 42% diện tích sụt giảm này liên quan đến sao biển gai, loài vật tăng trưởng nhanh do vấn đề ô nhiễm.
Ốc tù và là khắc tinh tự nhiên của sao biển gai, loài vật đang gây hại rạn san hô. (Video: Viện Khoa học Đại dương Australia).
Một nghiên cứu của Viện Khoa học Đại dương Australia (AIMS) giờ đây chỉ ra loài vật gây hại này tránh xuất hiện ở các khu vực có ốc tù và, kẻ thù tự nhiên của chúng.
Ốc tù và, tên khoa học Charonia, có thể dài đến nửa mét, dựa vào mùi để săn con mồi nhờ khứu giác đặc biệt phát triển. Nghiên cứu cho thấy chúng đặc biệt thích ăn sao biển gai song chỉ ăn vài con mỗi tuần. Trong khi đó, loài vật này đang bị con người săn gần tuyệt chủng để lấy vỏ.
Theo nghị sĩ bang Queensland Warren Entsch, việc chính phủ Australia cấp quỹ nghiên cứu có thể giúp nước này thử nghiệm một loại công cụ mới để kiểm soát diện tích rạn san hô. Các nhà khoa học đồng thời cũng có thể nghiên cứu tác động của ốc tù và tới hành vi của sao biển gai.
Hồi tháng 8, trên 100.000 ấu trùng của ốc tù và đã nở ở AIMS. Ấu trùng sẽ được hỗ trợ để tăng trưởng đến giai đoạn trưởng thành. Loài vật này sau đó sẽ được thả ra tự nhiên nhằm ngăn sao biển gai tập hợp trong mùa sinh sản.
Ốc tù và.
Các loại hóa chất đắt tiền như muối mật đã được Australia sử dụng để tiêu diệt sao biển gai. Tuy nhiên cách làm này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho các tổ chức sống khác của đại dương. Biện pháp tiêm giấm cũng bộc lộ hạn chế vì đòi hỏi thợ lặn thực hiện thủ công trên từng cá thể.
Rạn san hô Great Barrier Reef là cấu trúc sống lớn nhất trên Trái Đất, được xếp vào loại di sản thế giới. Ngoài sao biển gai, rạn san hô này còn bị gây hại do nước biển ấm lên vì biến đổi khí hậu.