Bác sĩ cảnh báo 2 thời điểm trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao hàng đầu
Đây là 2 thời điểm hội tụ nhiều yếu tố nguy cơ để dẫn đến cơn tai biến mạch máu não. Do đó, người dân, nhất là người cao tuổi, cần đặc biệt cảnh giác.
Thời điểm có nguy cơ cao đột quỵ cần lưu ý
Trong đợt rét đậm, rét hại, các bệnh viện ghi nhận số lượng bệnh nhân đột quỵ (tai biến mạch máu não) tăng đột biến, tập trung ở nhóm người cao tuổi.
Theo BSCKII Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thời gian vừa qua, số lượng bệnh nhân đột quỵ nhập viện cấp cứu tăng lên khoảng 150% so với bình thường.
Nhiều người già nhập viện cấp cứu vì đột quỵ trong đợt rét đậm, rét hại.
Đáng chú ý, theo chuyên gia này, có rất nhiều bệnh nhân bị đột quỵ vào lúc đêm khuya hoặc sáng sớm.
Giải thích về thực tế này, BS Cường cho biết, việc thay đổi tư thế đột ngột hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột đều là những những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là với người cao tuổi.
"Thời điểm đêm muộn hoặc sáng sớm cũng là lúc người cao tuổi thường rời khỏi giường, để đi tiểu đêm hoặc tập thể dục. Trong khi đó, đây lại là khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày. Nếu không cẩn thận, người cao tuổi sẽ có nguy cơ bị đột quỵ", BS Cường cho hay.
Để phòng ngừa căn bệnh nguy hiểm này, BS Cường khuyến cáo, khi vừa tỉnh giấc, người dân không nên ngồi dậy ngay, mà cần nằm thêm một vài phút để tỉnh táo hẳn, sau đó từ từ ngồi dậy tránh thay đổi tuần hoàn đột ngột.
Bên cạnh đó, việc cho cơ thể thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ cũng là một yếu tố quan trọng để phòng ngừa đột quỵ.
"Trước khi ra khỏi giường, mọi người nên thực hiện các động tác xoa tay, xoa chân khoảng 5-10 phút để làm ấm người. Sau đó, mang thêm áo khoác, đeo khăn, chú trọng giữ ấm vùng đầu - cổ rồi mới ra ngoài, vì nhiệt độ bên ngoài có sự chênh lệch lớn so với trong phòng", BS Cường chia sẻ.
Người cao tuổi thường bị rối loạn tiểu tiện nên hay phải dậy đi tiểu vào đêm muộn hoặc gần sáng.
Bên cạnh đó, hiện nay, điều kiện kinh tế phát triển nhiều gia đình trang bị máy sưởi ấm cho phòng ngủ. Tuy nhiên, theo BS Cường, việc sử dụng máy sưởi trong thời tiết rét đậm, rét hại cũng cần đặc biệt chú ý, nhất là với người cao tuổi.
BS Cường cho hay: "Cần đặt nhiệt độ máy sưởi chênh lệch không quá lớn so với nhiệt độ ngoài trời. Bên cạnh đó, nên thực hiện các biện pháp để giữ ẩm cho cơ thể, bởi máy sưởi sẽ khiến không khí trong phòng bị khô".
Cần làm gì khi người thân có dấu hiệu đột quỵ?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, người bị đột quỵ có những dấu hiệu điển hình sau:
- Một bên mặt người bệnh đột nhiên rủ xuống, lệch đi rõ rệt.
- Một cánh tay (và chân) bị yếu, buông thõng, không thể giơ lên.
- Người bệnh không thể nói hoặc nói ra những câu vô nghĩa và không hiểu người khác đang nói gì.
BS Cường khuyến cáo, khi người thân có những biểu hiện nghi đột quỵ, mọi người cần nhanh chóng gọi cấp cứu, đồng thời nhận sự hướng dẫn của nhân viên y tế, về các biện pháp sơ cứu bệnh nhân tại chỗ. Bệnh nhân được sơ cứu đúng và đưa đến bệnh viện càng sớm, càng hạn chế được những tổn thương lên não bộ.
"Thời gian vàng để cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ là 4,5 giờ. Được can thiệp y tế trong khoảng thời gian này, bệnh nhân sẽ ít bị các di chứng do đột quỵ để lại hơn", BS Cường nhấn mạnh.