Bằng chứng băng tồn tại trên Mặt trăng sao Thổ
Hình ảnh mới cho thấy băng xuất hiện ở nửa bắc của mặt trăng Enceladus, một trong những nơi tiềm năng nhất Hệ Mặt trời để tìm kiếm sự sống.
Các nhà khoa học sử dụng dữ liệu do tàu vũ trụ Cassini của NASA thu thập trong 13 năm khám phá sao Thổ để tạo ra hình ảnh tổng hợp về mặt trăng Enceladus. Đây là những hình ảnh hồng ngoại chi tiết nhất về thiên thể này đến nay, Futurism hôm 18/9 đưa tin.
Ảnh chụp cực bắc mặt trăng Enceladus (trái) và cực nam (phải). (Ảnh: NASA).
Sau khi nghiên cứu ảnh hồng ngoại, nhóm chuyên gia tại NASA phát hiện bằng chứng về "băng tươi" ở bắc bán cầu của Enceladus. Họ cho rằng lượng băng này bắt nguồn từ bên trong Enceladus và trồi lên bề mặt. Đây có thể là tín hiệu tốt đối với tiềm năng phát hiện sự sống trên thiên thể này.
Nhiều nhà khoa học coi Enceladus là một trong những nơi hứa hẹn nhất để tìm kiếm dấu vết sự sống trong Hệ Mặt trời. Năm 2005, các nhà khoa học lần đầu tiên phát hiện Enceladus phun những luồng hơi và hạt băng từ nơi nghi là đại dương ngầm ẩn dưới một lớp vỏ băng dày. Trong hình ảnh tổng hợp mới, các tín hiệu hồng ngoại cũng khớp với hoạt động địa chất này. Hoạt động này có thể dễ dàng quan sát ở cực nam Enceladus, nơi những "vằn hổ" phun luồng hơi và hạt băng từ đại dương ngầm lên.
Khi nghiên cứu hình ảnh tổng hợp mới, nhóm chuyên gia cũng tìm được những đặc điểm tương tự ở bắc bán cầu của Enceladus. Điều này cho thấy bắc bán cầu có băng tồn tại, hoạt động địa chất phun trào cũng diễn ra ở cả hai bán cầu.
"Hình ảnh hồng ngoại cho chúng tôi thấy bề mặt của cực nam vẫn trẻ. Điều này không gây ngạc nhiên vì chúng tôi đã biết về những luồng vật chất băng phun lên ở đó", Gabriel Tobie, nhà khoa học tại Đại học Nantes, đồng tác giả của nghiên cứu mới, chia sẻ.
"Nhờ những hình ảnh hồng ngoại mới, chúng tôi có thể lội ngược thời gian để tìm hiểu và biết một vùng rộng lớn tại bắc bán cầu cũng trẻ. Có thể hoạt động địa chất ở nơi này diễn ra gần đây hơn, xét theo dòng thời gian địa chất", ông bổ sung.