Bằng chứng mới khẳng định thiên thạch từng đâm vào trái đất
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế vừa phát hiện lớp trầm tích gần 13.000 năm tuổi ở dưới đáy hồ Cuitzeo thuộc miền trung Mexico. Lớp trầm tích này chứa một nhóm vật liệu kỳ lạ, trong đó có các hạt kim cương kích thước nano và những hình cầu nhỏ được hình thành sau khi xảy ra va chạm giữa vật thể trong vũ trụ với trái đất.
Những dữ liệu này là bằng chứng mới nhất nhằm khẳng định giả thuyết gây tranh cãi, rằng một va chạm giữa vật thể vũ trụ và trái đất đã xảy ra 12.900 năm trước đây, khi trái đất đang trong thời kỳ lạnh giá bất thường.
Hình ảnh này cho thấy tác động xảy ra khi một hình cầu va chạm với
hình cầu khác khi vật thể vũ trụ va vào trái đất. (Nguồn: Theo Physorg)
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng, và phát hiện ra một họ nano kim cương, trong đó có lonsdaleite - dạng nano kim cương chỉ xuất hiện khi xảy ra va chạm trong vũ trụ. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy những hình cầu nhỏ từng va chạm khi đang chuyển động cực nhanh trong lúc xảy ra va chạm. Những vật thể này không thể được hình thành do can thiệp của con người, núi lửa phun trào hay các quá trình tự nhiên khác trên trái đất, mà chỉ xuất hiển trong lúc xảy ra va chạm với vật thể ngoài vũ trụ, GS. James Kennett ở ĐH UC Santa Barbara, giải thích.
Những dữ liệu trên nói lên rằng một sao chổi hay một thiên thạch – có thể có bán kính vài trăm mét – đã đi vào vùng khí quyển của trái đất. Nhiệt độ tỏa ra từ tác động này đã đốt cháy cây cối, làm nóng chảy đá trên bề mặt, và gây ra những xáo trộn môi trường lớn.
“Những kết quả nghiên cứu này phù hợp với các khám phá trước đây ở khu vực Bắc Mỹ về những thay đổi trong hệ sinh thái, sự biến mất của những động vật cỡ lớn, thay đổi trong văn hóa và dân số của con người", GS. Kennett nói.