Băng rác khổng lồ Thái Bình Dương
Các nhà khoa học vừa hoàn thành một hành trình thám hiểm đặc biệt vào vùng “Băng Rác Khổng lồ Thái Bình Dương”.
Trong chuyến khảo sát về tích tụ rác trong đại dương do viện Scripps tiến hành (SEAPLEX), các nhà nghiên cứu đã thu được những hình ảnh chi tiết đầu tiên về các mảnh nhựa vỡ trôi nổi trong vùng đại dương xa xôi.
Một cảnh tượng không đẹp mắt chút nào!
Tàu thám hiểm New Horizon của viện Scripps rời cảng San Diego vào ngày 2 tháng 8 năm 2009 hướng về phía North Pacific Ocean Gyre nằm cách bờ biển California 1.000 dặm, và trở về vào 21 tháng 8 vừa qua.
Các nhà khoa học tham gia vào chuyến đi này đã khảo sát số lượng và sự phân bố của rác nhựa, lấy mẫu cho nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và đánh giá những tác động của các mảnh nhựa vụn đối với đời sống đại dương.
Trước nghiên cứu này, con người vẫn chưa biết nhiều về kích thước của “băng rác” và những mối đe dọa tiềm tàng đối với đời sống đại dương cũng như môi trường sinh học trong vùng.
Chuyến khảo sát này do nhóm nghiên cứu đến từ Viện Hải dương học Scripps tiến hành với sự hỗ trợ từ Quỹ Khoa học Quốc gia, Quỹ Ngư nghiệp California cùng dự án Kaisei.
"SEAPLEX là một chuyến khảo sát thực tế quan trọng đối với các nhà nghiên cứu, và giúp hiểu rõ hơn một vấn đề nóng của các đại dương,” Linda Goad, giám đốc chương trình phụ trách lĩnh vực Khoa học Đại dương của Quỹ Khoa học Quốc gia, phát biểu. “Chúng tôi hi vọng rằng SEAPLEX sẽ tăng cường nhận thức của con người về một vấn đề đang ngày càng trở nên nhức nhối.”
Các nhà nghiên cứu thuộc nhóm SEAPLEX đã tìm thấy rất nhiều rác nhựa tại vùng “băng rác” trên Thái Bình Dương. (ảnh: Viện Hải dương học Scripps) |
Sau 6 ngày lênh đênh trên biển cùng tàu thám hiểm, các nhà nghiên cứu đã đến được vùng khảo sát đầu tiên vào ngày 9 tháng 8.
Đoàn đã sử dụng lưới để thu vớt các mảnh vụn rác ở những tầng nước nông sâu khác nhau. “Chúng tôi hướng đến những khu vực có lượng rác nhựa cao nhất để thấy rõ mức độ vấn đề,” Miriam Goldstein, nhà khoa học hàng đầu trong chuyến khảo sát, cho biết. “Chúng tôi cũng xem xét kĩ mọi thứ, từ sinh vật phù du thực vật cho tới sinh vật phù du động vật hay cá nhỏ sống ở vùng nước giữa.”
Các nhà khoa học phát hiện ra rằng ở một số khu vực dễ dàng nhìn thấy rất nhiều hạt nhựa trong làn nước xanh.
Hôm 11/8, họ bắt gặp một mảng lưới lớn với nhiều rác nhựa và các sinh vật biển bám trên đó, họ cũng đã phát hiện một vài chai, thùng nhựa với rất nhiều loài loài sinh vật cư trú, bao gồm cả những con hàu lớn.
Ngày tiếp theo, Pete Davison thu thập được một vài loài cá sống ở tầng nước giữa, bao gồm cá Benthalbella dentata với đôi mắt có thể nhìn lên phía trên để quan sát những con mồi đang bơi trên đầu, và loài cá biển nhỏ Tarletonbeania crenularis có những chấm sáng trên thân di cư từ vùng nước sâu 700m lên mặt nước mỗi ngày.
Tới cuối hành trình, các nhà nghiên cứu, dù rất thích thú với vùng biển này, thực sự lo sợ trước lượng rác ở đây.
“Chứng kiến nhiều rác nhựa như vậy thực sự khiến chúng tôi cảm thấy shock,” Goldstein nói. “Làm sao có thể có nhiều rác đến vậy lênh đênh trên một vùng đại dương nằm cách đất liền tới hàng ngàn dặm?”