Báo động Việt Nam trong TOP 5 quốc gia xả rác ra biển
Ocean Conservancy tuyên bố Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam chính là 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.
Các đại dương trên hành tinh này đang tràn ngập rác thải của chúng ta: những chai soda, túi nhựa và hàng tấn mẩu tàn thuốc lá. Đại dương đã trở thành một chiếc thùng rác khổng lồ của nhân loại.
Rác thải ngập tràn trên các biển ở Việt Nam.
Tệ hơn, những loại rác rưởi đang trôi nổi bập bềnh trên bề mặt đại dương chỉ chiếm 5% tất cả lượng rác bị đổ ra biển cả. Theo tổ chức phi lợi nhuận về môi trường của Mỹ Ocean Conservancy, 95% rác thải còn lại đang ngập trong lòng đại dương, bóp cổ các sinh vật dưới nước và đe dọa đến hệ sinh thái thủy sinh.
Còn một điều nữa, dường như có 5 quốc gia đang dẫn đầu trong hành vi xả rác ra đại dương và gây ra những hiểm họa trên. Tất cả 5 quốc gia này đều ở châu Á.
Trang Business Insider cho biết trong một báo cáo gần đây, Ocean Conservancy tuyên bố Trung Quốc, Indonesia, Philippine, Thái Lan và Việt Nam chính là 5 quốc gia xả rác hàng đầu ra biển, đóng góp tới 60% lượng rác thải nhựa trong các vùng biển trên thế giới.
"Với tỷ lệ này, chúng ta có thể ước tính vào năm 2025, đại dương của chúng ta chứa cứ 3 tấn cá thì có gần 1 tấn rác nhựa – một con số không thể tưởng tượng nổi do hậu quả môi trường và kinh tế hiện nay", Nicholas Mallos, giám đốc chương trình bảo vệ biển của Ocean Conservancy nói.
Những người phương tây, cụ thể là người Mỹ, được xem là người tiêu dùng chính trên thế giới của các loại sản phẩm như soda, các thiết bị, giày thể thao và các mặt hàng sản sinh ra nhiều rác. Vậy tại sao lại chỉ có một số nước châu Á, nhiều nước trong số đó còn khá nghèo, lại là những nước đổ nhiều rác nhựa nhất ra biển?
Khi các nền kinh tế của châu Á phát triển, mọi người có nhiều tiền để mua các sản phẩm Marlboro, Sprite như người phương tây, song kinh tế phát triển chưa tạo ra thói quen xả rác vào những bãi rác hợp pháp.
Trong số 5 quốc gia châu Á kể trên, chỉ khoảng 40% rác được thu gom hợp lý. Trên toàn châu Á, rác thường được chất đống trong các bãi rác ở xa và rác được gió thổi bay, cuốn ra đại dương.
Ngay cả những điểm tập kết rác hợp pháp đôi khi được cố tình đặt gần các bờ sông chảy ra biển. Lý do, theo Ocean Conservancy là: "Rác sẽ được các cơn mưa lớn cuốn đi, và bãi rác lại có thể chứa thêm nhiều rác mới".
Business Insider viết rằng những người nhặt, thu gom rác ở châu Á được xem là những anh hùng vô danh bảo vệ môi trường. Họ dũng cảm tiếp xúc với rác và dịch bệnh để bới rác, nhặt lại những mảnh nhựa có thể bán lại cho những người tái chế để lấy một ít tiền.
Nhưng những người nhặt rác này chỉ nhặt những loại rác có giá trị cao – như chai nhựa – chứ không nhặt túi nilon, vì người tái chế không thu mua chúng.
Theo Ocean Conservancy, một người nhặt rác dành 10 giờ để thu nhặt túi nhựa, túi nilon chỉ kiếm được 50 cent (11 nghìn đồng), nhưng nếu chỉ nhặt chai nhựa, họ sẽ kiếm được 3,70 USD (83 nghìn đồng).
Điều đó có nghĩa là họ sẽ bỏ qua rất nhiều loại rác thải, và những rác này sau đó có thể bị đổ ra biển.
Một người ở California hay Texas mua cả chai dầu gội đầu, nhưng như thế là quá xa xỉ với những người ở các ngôi làng nghèo ở Indonesia hay Philippine, và họ chỉ mua dầu gội trong những gói nhựa nhỏ xíu.
Tại nhiều ngôi làng ở vùng nông thôn châu Á, các cửa hàng bán mọi thứ từ sản phẩm làm đẹp đến mỳ ăn liền trong những chiếc túi nhỏ, rẻ. Như vậy người dân nghèo mới mua được. Nhưng kết quả? Các công ty tung ra rất nhiều gói hàng bằng nhựa tại các nước nghèo châu Á – và số rác này sau đó lại nằm ở dưới đại dương.
Theo Mallos, mặc dù các công ty không "sản xuất các túi nhựa với ý định đổ chúng vào đại dương", song họ nên cung cấp sản phẩm "với mạng lưới hậu cần, tài chính, quản lý và marketing đẳng cấp thế giới" để giúp giải quyết khó khăn.
Tại những nước luật pháp chưa nghiêm, các lái xe tải chở rác còn thường tiết kiệm thời gian và xăng dầu bằng cách đổ rác ngay bên vệ đường. Những điểm tập kết rác bất hợp pháp như thế này đang gây hậu quả nặng nề với các đại dương.
Ở Philippine, một quốc đảo, các xe tải rác thường phạm luật, nghiên cứu cho thấy có đến 90% rác được tập kết bất hợp pháp ngoài biển. Trong số 5 quốc gia châu Á trên, ước tính cho thấy mỗi năm có gần 1 triệu rác nhựa đổ ra đại dương.
Theo nghiên cứu được tạp chí khoa học Science Magazine công bố, loài người thải ra 8 triệu tấn rác vào biển mỗi năm. Nếu chúng ta không thay đổi hành vi, Ocean Conservancy nói, chúng ta sẽ tăng gấp đôi tỷ lệ đó lên trong chỉ 10 năm.
Tất cả rác thải đó đều có tác động tàn phá trên biển: khiến các sinh vật biển bị bóp nghẹn đến chết, hệ sinh thái biển bị phá vỡ và môi trường bị tàn phá nặng nề, gây ra cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.