Ô nhiễm ánh sáng là gì? Cách giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng
Từ trước đến nay, người ta đã quen với ô nhiễm môi trường và biết rõ các ảnh hưởng của nó đến cuộc sống con người. Nhưng thực sự chưa bao giờ, người ta ý thức tới một mối nguy hiểm tiềm tàng khác đang "lớn dần", đó là sự ô nhiễm ánh sáng. Cụm từ "ô nhiễm ánh sáng" mấy năm gần đây mới được phổ biến rộng rãi.
Ô nhiễm ánh sáng là gì?
Ô nhiễm ánh sáng (light pollution) là việc con người tạo ra ánh sáng quá mức, gây khó chịu. Điều này có thể gây ra những ảnh hưởng có hại với sức khỏe, che mờ ánh sáng của các ngôi sao, ảnh hưởng đến việc quan sát thiên văn, lãng phí năng lượng và làm rối loạn các hệ sinh thái.
Ô nhiễm ánh sáng là một phần tác động của nền văn minh công nghiệp. Nó bắt đầu từ những nguồn như ánh sáng ở mặt tiền của các toà nhà cũng như bên trong các toà nhà, đèn quảng cáo, các cơ sở công nghiệp, văn phòng, nhà máy, đường phố và các trung tâm thể thao. Điều này đặc biệt nghiêm trọng ở các khu vực công nghiệp cao, tập trung dân cư đông đúc của Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, nhưng ngay cả với những lượng ánh sáng nhỏ cũng có thể gây ra một số vấn đề và cần được chú ý.
Ô nhiễm ánh sáng là một phần tác động của nền văn minh công nghiệp.
Một số người hoài nghi còn cho rằng ô nhiễm ánh sáng không có nhiều tác động xấu vì nó không để lại hậu quả lâu dài đối với môi trường như ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước hay ô nhiễm đất. Tuy nhiên, những nhà hoạt động mong muốn giảm bớt lượng ô nhiễm ánh sáng lại cho rằng thật là thiếu thực tế khi mong muốn mọi người tắt bớt đèn đi vì nền kinh tế của xã hội công nghiệp đã quá phụ thuộc vào ánh sáng nhân tạo. Vì vậy, họ khẳng định rằng ô nhiễm ánh sáng cũng là một vấn đề tương tự như những dạng ô nhiễm khác, có thể gây ra những hậu quả tiêu cực lâu dài.
Quan điểm này lại rất đồng thuận với những người ủng hộ việc bảo tồn năng lượng, những người vốn cho rằng ô nhiễm ánh sáng cần phải được khắc phục bằng cách thay đổi thói quen của xã hội để qua đó ánh sáng được sử dụng một cách hiệu quả hơn, giảm bớt sự lãng phí. Vấn đề chống lại ô nhiễm ánh sáng lại càng được ủng hộ bởi những nghiên cứu khoa học về một loạt các vấn đề sức khoẻ liên quan đến ánh sáng quá mức: thị giác kém, căng thẳng, đau đầu và ung thư gia tăng.
Phân loại ô nhiễm ánh sáng
Ô nhiễm ánh sáng là một thuật ngữ rộng, ám chỉ những vấn đề gây ra bở việc sử dụng ánh sáng nhân tạo không hiệu quả, gây khó chịu. Các loại ô nhiễm ánh sáng gồm có: ánh sáng xâm nhập (light trepass), lạm dụng ánh sáng (over-illumination), ánh sáng chói (glare), ánh sáng lộn xộn (clutter) và ánh sáng chiếm dụng bầu trời (sky glow).
Ánh sáng xâm nhập: điều này xảy ra khi những ánh sáng xâm nhập vào địa phận của một người khác mà người đó không hề mong muốn, ví dụ như chiếu đèn qua hàng rào nhà hàng xóm, hậu quả có thể là ánh sáng mạnh chiếu qua cửa sổ gây mất ngủ hoặc hạn chế tầm nhìn trong đêm. Ánh sáng xâm nhập đặc biệt gây khó chịu cho các nhà thiên văn nghiệp dư, những người mà khả năng quan sát bầu trời đêm từ nhà mình rất dễ bị ảnh hưởng bởi bất cứ luồng sáng nào gần đó. Hầu hết các trung tâm quan sát thiên văn chính được bao bọc trong những khu vực được cách ngăn chặt chẽ khỏi các luồng sáng. Một số thành phố của Mỹ đã đề ra những tiêu chuẩn chính xác cho việc chiếu sáng ngoài trời để bảo vệ các đài quan sát như vậy.
Lạm dụng ánh sáng: đây là việc sử dụng quá mức ánh sáng. Đặc biệt ở Mỹ, lạm dụng ánh sáng là nguyên nhân của việc khoảng 2 triệu thùng dầu bị lãng phí mỗi ngày, điều này được tính toán dựa trên mức tiêu dùng bình quân 50 triệu thùng dầu một ngày của người Mỹ(Nước Mỹ có đến 60% nguồn cung cấp năng lượng từ khí thiên nhiên, thủy điện và các nguồn không phải là dầu khác. Đơn vị thùng dầu được sử dụng ở đây chỉ là cách đơn giản để mô tả mức sử dụng năng lượng từ tất cả các nguồn).
Có rất nhiều loại ô nhiễm ánh sáng.
Nguyên nhân của lạm dụng ánh sáng:
- Không sử dụng chế độ hẹn giờ, bộ phận cảm biến hay các hình thức khác để tắt ánh sáng khi không cần thiết.
- Những thiết kế không phù hợp, đặc biệt là không gian làm việc, khiến phải sử dụng ánh sáng nhiều hơn mức cần thiết.
- Chọn không đúng các loại đồ đạc, đèn điện khiến ánh sáng không tập trung vào khu vực cần thiết.
- Lắp đặt máy móc không phù hợp, dẫn đến phải sử dụng nhiều năng lượng hơn mức cần thiết cho việc chiếu sáng.
- Sự hướng dẫn chưa đầy đủ các các nhà quản lý và những người ở trong các toà nhà về việc sử dụng hệ thống chiếu sáng một cách hiệu quả.
- Duy trì ánh sáng không hợp lý dẫn đến tăng lượng ánh sáng phung phí và chi phí năng lượng.
Hầu hết những vấn đề này có thể nhanh chóng được khắc phục bằng những công nghệ sẵn có và ít tốn kém. Tuy nhiên sự ì ạch trong điều chỉnh thiết kế ánh sáng và hoạt động của những người chủ đã gây cản trở cho việc nhanh chóng giải quyết những vấn đề này. Ý thức của công chúng là điều quan trọng nhất cần có để các nước công nghiệp nhận ra sự tiết kiếm lớn có thể có từ việc giảm sự lạm dụng ánh sáng.
Ánh sáng chói: đây là hậu quả của sự đối lập giữa vùng sáng và vùng tối trong tầm nhìn. Ánh sáng chói chiếu thẳng vào mắt người đi đường và lái xe có thể gây mất tầm nhìn trong đêm đến tận 1 giờ sau đó.
Điều này còn khiến cho mắt người cảm thấy khó khăn trong việc nhận dạng những sự khác biệt trong ánh sáng. Ánh sáng chói là vấn đề đặc biệt nghiêm trong đối với an toàn giao thông, vì điều này xảy ra bất ngờ có thể khiến người đi đường và lái xe rất dễ gặp tai nạn. Ánh sáng chói có thể chia theo các cách khác nhau. Theo cách phân chia của Bob Mizon, cộng tác viên của Cuộc vận động vì bầu trời đêm của tổ chức thiên văn Anh Quốc (British Astronomical Association’s Campaign for Dark Skies) thì gồm có những loại sau:
- Ánh sáng chói mờ (blinding glare): các tác động do nhìn thẳng vào mặt trời, khiến cho mắt tạm thời bị mù để lại hậu quả lâu dài với thị giác.
- Ánh sáng chói gây hạn chế tầm nhìn (disability glare): các tác động tương tự như bị mù tạm thời do đèn pha ô tô chiếu vào.
- Ánh sáng chói gây khó chịu(Discomfort glare): loại này thường không gây tình huống nguy hiểm lắm mà chỉ khiến người ta cảm thấy khó chịu, nhưng cũng có thể gây mệt mỏi nếu phải chịu đựng lâu.
- Ánh sáng lộn xộn: ám chỉ nhiều luồng sáng quá mức cùng lúc. Các luồng sáng có thể gây lộn xộn, mất tập trung và có thể dẫn tới tai nạn. Loại này đặc biệt xảy ra trên các đường phố mà hệ thống đèn thiết kế kém hoặc là có quá nhiều đèn quảng cáo.
- Ánh sáng chiếm dụng bầu trời: điều này thường xảy ra ở các khu vực đông dân cư. Ánh sáng từ quá nhiều nguồn khác nhau, bao gồm cả những nơi lạm dụng ánh sáng, được phản chiếu lên bầu trời đêm. Điều này đặc biệt tác động đến các nhà thiên văn trong việc quan sát sao.
Ô nhiễm ánh sáng khiến việc quan sát thiên văn bị ảnh hưởng.
Tác động của ô nhiễm ánh sáng
Lãng phí năng lượng: việc chiếu sáng chiếm đến ¼ năng lượng tiêu dùng của cả thế giới. Các nghiên các nghiên cứu cũng chỉ ra là thông thường có đến 50% đến 90% ánh sáng ở các toà nhà là không cần thiết. Trong khi hiện tại nhiều nước đang ra sức tìm các biện pháp để giảm thiểu sử dụng năng lượng sau khi ký Nghị định thư Kyoto, thì việc tăng cường tính hiệu quả của việc sử dụng ánh sáng là một biện pháp đem lại kết quả cao trong thời gian nhanh chóng.
Ảnh hưởng tới việc quan sát thiên văn: Hầu hết người dân thành phố không thể thấy các ngôi sao trên bầu trời đêm, ngoại trừ mặt trăng và một số ngôi sao sáng. Điều này làm hạn chế hiểu biết của họ tới không gian, thiên văn học và khoa học nói chung. Các nhà thiên văn học nghiệp dư thì làm việc rất khó khăn. Ô nhiễm ánh sáng còn từng buộc một số đài quan sát thiên văn phải di chuyển địa điểm như Đài Thiên Văn Hoàng Gia, Greenwich và cản trở việc quan sát ở các địa điểm khác.
Tác động tới sức khoẻ và tâm lý con người: các tác động có thể là hiện tượng đau đầu, mệt mỏi, căng thẳng, suy giảm chức năng sinh dục và tăng cảm giác lo âu. Có tài liệu còn cho rằng có sự liên quan giữa ô nhiễm ánh sáng và nguy cơ bị ung thư vú!
Gây rối loạn các hệ sinh thái: thiên nhiên vốn thích nghi với ánh sáng và bóng tối tự nhiên. Ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn thói quen sinh hoạt của các sinh vật. Các nghiên cứu cho thấy một số ví dụ cụ thể về hậu quả gây ra bởi ô nhiễm ánh sáng như: ánh sáng đêm làm giảm khả năng nhìn đường của bướm đêm và các côn trùng hoạt động về đêm khác. Các loài hoa nở về đêm, dựa vào các loài này để thụ phấn, cũng vì thế mà bị ảnh hưởng. Các loài chim di cư có thể bị mất phương hướng bởi ánh sáng của các toà nhà cao chọc trời. Hoặc là các loài ếch và kỳ nhông hoạt động về đêm cũng bị ảnh hưởng. Thông thường khi không có ánh sáng, chúng thức giấc, đi tìm bạn tình và sinh đẻ. Nhưng ánh sáng thường xuyên do ô nhiễm ánh sáng làm cho hoạt động của chúng suy giảm...
Gây mất an toàn: điều này khá phổ biến với những người đi đường ban đêm. “Tổ Chức Bầu Trời Đêm Quốc Tế” (International Dark-Sky Association) còn cho rằng, chẳng có cơ sở khoa học nào của việc ánh sáng có thể làm giảm tội phạm. Thậm chí ánh sáng nhân tạo tồi còn có thể tạo ra sự đối lập lớn giữa ánh sáng và bóng tối, khiến tội phạm dễ dàng ẩn nấp hơn.
Các biện pháp giảm ô nhiễm ánh sáng
Giảm ô nhiễm ánh sáng bao gồm nhiều hình thức như giảm ánh sáng chiếm dụng bầu trời, giảm ánh sáng chói, giảm ánh sáng xâm nhập, và giảm ánh sáng lộn xộn. Phương pháp tốt nhất là phương pháp phải phù hợp với loại ô nhiễm nào. Các biện pháp có thể áp dụng:
- Sử dụng nguồn sáng vừa đủ với yêu cầu
- Tắt đèn khi không cần thiết hoặc sử dụng chế độ hẹn giờ
- Cải tiến dụng cụ chiếu sáng phù hợp, có thể tập trung ánh sáng vào nơi cần thiết
- Lắp đặt các loại đèn sao cho bước sóng ánh sáng ít gây ra các vấn đề nghiêm trọng
- Đánh giá lại các hệ thống chiếu sáng hiện có, thiết kế lại nếu cần.