Bão Kompasu suy yếu trước khi đổ bộ
Lúc 6h ngày 14/10, sức gió của bão Kompusu giảm còn 60-75 km/h, cấp 7-8, cách đất liền các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh khoảng 200km.
Trong 10 giờ qua, bão đã giảm một cấp do ma sát với đảo Hải Nam (Trung Quốc) và tương tác với khối không khí lạnh khô từ phương bắc tràn xuống.
Ảnh mây vệ tinh cơn bão lúc 6h sáng 14/10. (Ảnh: NCHMF)
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cho biết, trong sáng nay bão theo hướng tây với tốc độ 20-25 km/h và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16h, tâm áp thấp nhiệt đới trên vùng biển ven bờ Nam Định - Hà Tĩnh, sức gió mạnh nhất 60 km/h, cấp 7, giật tăng hai cấp.
Sau đó, áp thấp nhiệt đới duy trì tốc độ, đi vào khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Bình và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Trung Lào.
Đài khí tượng Nhật Bản cho biết bão hiện mạnh 82km/h và duy trì sức gió này khi đổ bộ. Đài Hải quân Mỹ nhận định qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) bão mạnh 83km/h, sau khi vào miền Trung Việt Nam giảm còn 65km/h.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên) từ bắc vĩ tuyến 17; tây kinh tuyến 110. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.
Dự báo đường đi và khu vực ảnh hưởng của bão. (Ảnh: NCHMF)
Trong hôm nay, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Vịnh Bắc Bộ (gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ) và vùng biển từ Quảng Trị đến Thừa Thiên Huế (gồm huyện đảo Cồn Cỏ) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 11; sóng biển cao 3-5 m.
Ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An cần đề phòng nước dâng do bão cao 0,3-0,5 m, kết hợp với triều cường gây ngập úng tại các khu vực trũng, thấp.
Trong ngày 14-15/10, Bắc Bộ và Quảng Trị mưa mỗi đợt phổ biến 100-150 mm, có nơi trên 150 mm; từ Thanh Hóa đến Quảng Bình mưa 100-200 mm, có nơi trên 200 mm.
Từ ngày 16/10 đến 19/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường kết hợp với vùng áp thấp có khả năng xuất hiện nên Trung Bộ tiếp tục mưa lớn. Các địa phương cần đề phòng nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng thấp, ven sông.
Đối phó với bão, hàng loạt tỉnh miền Trung đã cấm biển từ ngày 12/10. Nhiều hồ đập ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế xả nước để dành dung tích đón lũ khi hoàn lưu bão kết hợp với không khí lạnh gây mưa lớn. Kịch bản sơ tán 25.000 dân khi bão vào cấp 9 cũng được chuẩn bị.
Kompasu là cơn báo thứ tám trên biển Đông, cơ quan khí tượng dự báo từ sau cơn bão này có khoảng 4-6 cơn bão, áp thấp nhiệt đới xuất hiện trên biển Đông, trong đó 2-3 cơn ảnh hưởng đến Việt Nam.