Bão mặt trời lớn nhất đến Trái Đất kể từ năm 2005
Bản tin thời tiết của Mỹ cho biết một tia lửa mạnh từ mặt trời đã gây ra cơn bão bức xạ lớn nhất kể từ năm 2005 và có thể ảnh hưởng đến một số vệ tinh liên lạc ở vùng cực.
Sự kiện này bắt đầu vào cuối ngày chủ nhật 22/1 với một ngọn lửa năng lượng mặt trời có kích thước trung bình đã bùng nổ ngay gần trung tâm mặt trời, Doug Biesecker, một nhà vật lý của Trung tâm Đại dương quốc gia và cơ quan khí quyển vũ trụ (NOAA) cho biết.
“Bản thân ngọn lửa không có gì ngoạn mục, nhưng nó đã giải phóng một luồng ánh sáng đi với tốc độ 6,4 triệu km/giờ)” ông cho AFP biết.
Một luồng bức xạ mạnh dưới hình thức các proton năng lượng mặt trời đã bắt đầu bắn phá Trái Đất và có thể tiếp tục đến hết ngày 25/1.
Đây là cơn bão từ lớn nhất kể từ năm 2005 nhưng vẫn chỉ nằm ở mức được coi là “mạnh” chứ không phải là “nặng", ông cho biết thêm.
Biesecker nói rằng các vùng cực bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các cơn bão từ.
Ví dụ, cơn bão có thể làm gián đoạn các chuyến bay, hoạt động khai thác dầu, thám hiểm Bắc Cực và các vệ tinh trong không gian.
Những người ngắm trời đêm tại châu Á và châu Âu có thể nhìn thấy cực quang, hay còn gọi là ánh sáng phương Bắc, vào cuối ngày 24/1, và đó là kết quả của cơn bão.
“Chúng tôi không mong đợi những tác động lớn từ một sự kiện như thế này", Biesecker nói.
“Chỉ những người cần sử dụng hệ thống định vị toàn cầu GPS với độ chính xác đến từng centimet mới cần phải lo lắng, chứ không phải là những người muốn cho chiếc xe của mình tiến về phía trước 30m”.