Bão Mặt trời thiêu hủy 40 vệ tinh SpaceX
Tốc độ và cường độ dữ dội của cơn bão Mặt trời đã làm tăng tỉ trọng khí quyển ở độ cao quỹ đạo Trái đất tầm thấp, tạo ra lực ma sát mạnh khiến các vệ tinh bị đốt cháy.
Một cơn bão địa từ được kích hoạt bởi một vụ nổ bức xạ lớn từ Mặt trời đã vô hiệu hóa ít nhất 40 trong số 49 vệ tinh Starlink mới được SpaceX phóng lên hồi tuần trước, là một phần của mạng internet vệ tinh toàn cầu, SpaceX cho biết hôm 8/2.
Vụ việc được cho là đánh dấu sự tổn thất vệ tinh hàng loạt lớn nhất bắt nguồn từ một sự kiện địa từ duy nhất, nhà vật lý thiên văn Jonathan McDowell tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian, Mỹ cho biết hôm 9/2.
Thông cáo của SpaceX nói, các vệ tinh đã bị tấn công vào ngày 4/2, một ngày sau khi chúng được phóng lên quỹ đạo Trái đất tầm thấp ở độ cao 210km.
Một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) gây ra cơn bão địa từ trên Trái đất.
Vào ngày 3/2, tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã phóng 49 vệ tinh Starlink lên quỹ đạo tầm thấp từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida, Mỹ, gần như trùng thời điểm với một cảnh báo bão địa từ của Trung tâm Dự báo Thời tiết Không gian Mỹ (NOAA).
Cảnh báo nói, hoạt động bùng phát năng lượng từ một vụ phóng khối lượng đăng quang (CME) cực đại, một vụ nổ lớn của plasma mặt trời và bức xạ điện từ bề mặt Mặt trời đã được phát hiện vào ngày 29/1 và có khả năng đến Trái đất sớm nhất là vào ngày 1/2.
Hệ thống vệ tinh Starlink của SpaceX trên quỹ đạo Trái đất. (Ảnh: SpaceX).
Theo SpaceX, tốc độ và cường độ dữ dội của cơn bão Mặt trời đã làm cho bầu khí quyển ấm lên dẫn đến tỉ trọng khí quyển ở độ cao quỹ đạo Trái đất tầm thấp tăng mạnh, tạo ra lực ma sát hay lực cản mạnh khiến ít nhất 40 vệ tinh bị hạ gục.
Nhà điều hành Starlink đã cố gắng điều khiển các vệ tinh vào một cấu hình quỹ đạo chế độ an toàn để giảm thiểu lực cản, nhưng những nỗ lực đó đã thất bại đối với hầu hết các vệ tinh, buộc chúng phải bay trở lại tầng thấp hơn của bầu khí quyển, nơi chúng bị đốt cháy.
Một mô phỏng chòm sao hàng ngàn vệ tinh trong hệ thống hạ tầng dịch vụ internet vệ tinh Starlink của SpaceX. (Nguồn: Mark Handley / University College London).
McDowell cảnh báo, hoạt động của bão địa từ sẽ gia tăng trong vài năm tới khi Mặt trời tiến gần giai đoạn cực đại trong chu kỳ hoạt động 11 năm của vết đen Mặt trời.
Tập đoàn công nghệ khai phá không gian SpaceX của tỉ phú Elon Musk có trụ sở tại Los Angeles, Mỹ đã phóng hàng trăm vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo kể từ năm 2019, một phần của dịch vụ internet vệ tinh băng thông rộng. Trong một tweet ngày 15/1, Musk cho biết mạng lưới 1.469 vệ tinh của công ty này đang hoạt động với 272 vệ tinh khác đang di chuyển đến quỹ đạo vận hành.
SpaceX cho biết có kế hoạch phát triển một chòm sao với hệ thống khoảng 30.000 vệ tinh cho dự án internet vệ tinh toàn cầu này.

Tìm hiểu về tia gamma và chớp gamma
Tia gamma (kí hiệu là γ) là một loại bức xạ điện từ hay quang tử có tần số cực cao.

Phát hiện thêm "ngôi nhà tương lai" cho loài người
Trong hành trình khám phá vũ trụ và tìm kiếm các hành tinh có khả năng sống, các nhà khoa học đã phát hiện ra một hành tinh đáng chú ý mang tên Gliese 667C c.

Trái đất sẽ bị huỷ diệt vào năm 2029 hay 2036?
Nhiều nhà nghiên cứu tin rằng một tiểu hành tinh có thể va chạm vào Trái đất vào bất cứ lúc nào. Và các số liệu thống kê cho thấy rằng một thiên thể to cỡ quả bóng đá hoàn toàn có khả năng huỷ diệt sự sống trên trái đất

Hành tinh "siêu Trái Đất" có thể chứa sự sống
Một ngoại hành tinh ở cách 111 năm ánh sáng có thể là phiên bản lớn của Trái Đất với những điều kiện phù hợp cho sự sống.

Màu sắc thực sự của Mặt trời là gì?
Con người thường thấy Mặt Trời màu vàng nhưng thực chất, ngôi sao này phát ra ánh sáng mạnh nhất màu xanh.

Làm thế nào để nhìn thấy dải Ngân hà?
Dưới một bầu trời đêm quang đãng, không trăng và vắng ánh đèn thành phố, bạn sẽ thấy vẻ đẹp lộng lẫy của thiên hà.
