Bão Vamco mạnh cấp 14 trước khi vào biển Đông
Rạng sáng 12/11, tâm bão nằm trên vùng biển phía đông nam đảo Luzon (Philippines) với sức gió mạnh nhất 13-14, giật cấp 16, sau đó quét thẳng qua Philippines để vào biển Đông.
Sáng 11/11, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết bão Vamco đã mạnh lên cấp 11, giật cấp 14. Lúc 4h, tâm bão cách phía nam đảo Luzon 480km.
Ngày và đêm nay, bão đi theo hướng tây tây bắc, vận tốc 20 km/h và khả năng mạnh thêm. Rạng sáng 12/11, tâm bão nằm ngay trên vùng biển phía đông nam đảo Luzon (Philippines). Sức gió mạnh nhất 13-14, giật cấp 16. Với cường độ này, bão quét thẳng qua đất liền Philippines.
Sau đó, hình thái này đi theo hướng tây, vận tốc 20-25 km/h và đi vào biển Đông. Sáng 13/11, tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630 km về phía đông đông nam. Sức gió mạnh nhất giảm được hai cấp, đạt cấp 12, giật cấp 14.
Ngày 13-14/11, bão Vamco đi chủ yếu theo hướng tây với vận tốc 20-25 km, sau đó đổi hướng theo tây tây bắc. Khi cách quần đảo Hoàng Sa 220 km về phía nam sáng 14/11, tâm bão mạnh cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo đường đi của bão Vamco. (Ảnh: VNDMS).
Cơ quan khí tượng Nhật Bản cũng nhận định bão Vamco khả năng tăng cấp trong thời gian di chuyển trên biển Đông. Khi áp sát vùng biển các tỉnh Trung Trung Bộ sáng 14/11, bão có thể duy trì sức gió mạnh đến 35m/s, tương đương cấp 12, giật cấp 15.
Dự báo mới nhất cho thấy bão có xu hướng di chuyển lên phía bắc sau khi quét qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Ngày 15/11, hình thái này đổ bộ đất liền Bắc Trung Bộ. Khi đi vào đất liền, bão có thể giảm cường độ xuống cấp 8, giật cấp 10.
Còn cơ quan khí tượng Hong Kong cho rằng bão Vamco khả năng duy trì sức gió mạnh 120km/h, tương đương cấp 12 từ chiều 11/11 đến chiều 13/11. Việc ma sát với đất liền Philippines trong quá trình đổ bộ không làm bão suy giảm cường độ.
Cơ quan này đang dự báo bão Vamco khả năng đổ bộ trực tiếp vào Quảng Trị ngày 15/11. Thời điểm tâm bão áp sát đất liền, sức gió mạnh nhất là 90 km/h, tương đương cấp 10, giật cấp 12.
Đáng lưu ý, hoàn lưu của bão Vamco trải dọc khắp các tỉnh từ phía nam đồng bằng Bắc Bộ xuống đến toàn Trung Bộ, bao gồm cả phía bắc Tây Nguyên.