Bắt đầu cuộc chinh phục những thiên thạch
Các nhà khoa học và các doanh nghiệp đang nghiên cứu cách khám phá và “đô hộ” thiên thạch để khai thác nguyên liệu cho con người.
Động cơ thúc đẩy các nhà khoa học và doanh nhân tìm hiểu thiên thạch chủ yếu xuất phát từ bản năng sinh tồn của con người, hơn là mối lo ngại về khả năng Trái Đất bị mảnh thiên thạch va chạm và loài người bị diệt vong. Thiên thạch có thể là nguồn cung cấp nguyên, nhiên, vật liệu khi con người đã khai thác kiệt quệ tài nguyên trên Trái Đất hoặc khi việc khai thác thiên thạch là khả dụng.
Báo El Pais (Tây Ban Nha) dẫn lời nhà khoa học Julia de Leon, thuộc Viện Vật lý Thiên văn Canarias (IAC) của Tây Ban Nha và là chuyên gia nghiên cứu quang phổ, cho biết gần đây một số doanh nghiệp đã quan tâm đến việc nghiên cứu thiên văn và “đã chi tiền cho việc nghiên cứu các thành phần chủ yếu trong các thiên thạch”. Bước đi này sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp sẵn sàng khai thác khoáng sản trên thiên thạch trên quy mô công nghiệp, khi có thể.
Trong khi đó, giáo sư thiên văn và vật lý thiên văn thuộc Đại học Valencia (Tây Ban Nha), một chuyên gia về nguồn gốc và sự hình thành những vật thể vũ trụ, cho rằng các doanh nghiệp chưa khai thác thiên thạch vì chưa đem lại lợi nhuận, “nhưng chắc chắn trong tương lai họ sẽ làm như vậy”.
Hình họa về một thiên thạch bị tan vỡ. (Nguồn: NASA).
Nhà vật lý thiên văn Javier Licandro, cũng thuộc viện IAC, chuyên nghiên cứu những vật thể nhỏ trong Hệ Mặt Trời, cho rằng cách thực tiễn nhất là khai thác các thiên thạch làm nguồn tài nguyên để xây dựng các vật thể vũ trụ, hơn là để sử dụng trên Trái Đất. Ông nói: đi tới các thiên thạch để khai thác và đem nguyên liệu về Trái Đất sẽ rất đắt đỏ, nhưng có thể sử dụng chúng để chế tạo vệ tinh và thiết lập các trạm không gian ngay trên thiên thạch. Điều này sẽ giảm được chi phí so với việc đưa các vệ tinh lên vũ trụ. Cũng có thể khai khai thác năng lượng trên thiên thạch để cung cấp cho những chuyến hành trình dài trong không gian. Một số thiên thạch có chứa ôxy và hyđrô, là những nguyên tố chính để sản xuất nhiên liệu trong vũ trụ và chúng “sẽ được sử dụng như những trạm xăng liên hành tinh”.
Các nhà khoa học cũng bàn đến khả năng hiện thực hóa những bộ phim giả tưởng trong tương lai không xa: đó là “đô hộ” những vật thể vũ trụ trong hoặc ngoài Hệ Mặt Trời để làm nơi định cư cho con người. Vì chắc chắn đến một lúc nào đó, Trái Đất sẽ trở nên không thể sống nổi đối với con người. Có nhà thiên văn học cho rằng trong khoảng 5.000 triệu năm nữa, Mặt Trời sẽ biến thành một hành tinh đỏ khổng lồ đe dọa Trái Đất. Viễn cảnh này có thể đến sớm hơn nếu xét tới mức độ tàn phá nghiêm trọng của bầu khí quyển hoặc một sự biến đổi đột ngột của khí hậu Trái Đất.
Bà Julia de León cho rằng trước khi Mặt Trời bị tàn lụi thì chính con người có thể biến Trái Đất thành nơi không thể cư ngụ: đó là "chiến tranh, nghèo khổ, ô nhiễm…". Bà kêu gọi song song với việc khám phá vũ trụ, loài người cần thay đổi tư duy để tồn tại. Trong khi đó nhà vật lý thiên văn Javier Licandro tiên đoán, không có công nghệ nào có thể tránh được sức nóng của Mặt Trời, do vậy “di cư đến nơi khác không chỉ là một cách lựa chọn mà là con đường duy nhất để loài người tồn tại”.
Dẫn chứng những chuyến thám hiểm của loài người thuở trước để tìm ra những miền đất mới, khai phá Trái Đất, các nhà khoa học cho rằng trong tương lai, sau khi rời Trái Đất, con người sẽ phải tìm kiếm nguồn cung cấp trong những chuyến hành trình xa hơn cả Hệ Mặt Trời để tới những nơi có thể sinh sống được. Thậm chí, có thể hoàn thiện những con tầu vũ trụ ngay trên đường đi tìm nơi ở mới. Ông cho rằng loài người hiện đã có công nghệ đủ để du hành đến những hành tinh khác nhưng “chúng ta chưa thực hiện vì chưa cần thiết và chưa hiệu quả”.
Những sứ mạng đang được tiến hành
Một số cuộc thăm dò vũ trụ đã đặt nền móng cho những chuyến du hành mang tính thương mại. Con người đã phóng tầu vũ trụ đến các thiên thạch để lấy mẫu vật chất, đem về Trái Đất và phân tích. Chuyến bay đầu tiên là tàu Hayabusa của Nhật Bản, đã hạ cánh xuống thiên thạch Itokawa và đem mẫu vật chất về Trái Đất. Sau đó, tàu Hayabusa 2 đã hạ cánh xuống thiên thạch Ryugu. Những chuyến bay khác có thể là OSIRIS- REx của NASA dự kiến đến thiên thạch Bennu, một hành tinh có quỹ đạo gần quỹ đạo Trái Đất.
Cho đến nay, sứ mạng của NASA đang diễn ra suôn sẻ. Dự kiến, tàu vũ trụ OSIRIS- REx sẽ tiếp cận Bennu vào tháng 8/2018 này. Sau vài năm phân tích bề mặt Bennu, OSIRIS- Rex sẽ trở về Trái Đất mang theo khoang chứa vật chất từ Bennu. Các nhà khoa học đang nóng lòng được tiếp nhận những vật chất do OSIRIS- Rex mang về để phân tích chúng.
Như vậy, loài người đang thực hiện những bước đi đầu tiên để chinh phục những miền đất xa xôi trong vũ trụ để duy trì sự tồn tại của chính mình.