Bất ngờ khi tìm thấy kinh đô của đế chế Hung Nô

Các nhà khảo cổ phát hiện tàn tích Long Thành, kinh đô của đế chế Hung Nô, trong quá trình khai quật dọc sông Orkhon.

Những đợt khai quật của Đại học Ulaanbaatar tại quận Ulziit thuộc tỉnh Arkhangai vào năm 2017 giúp nhóm nghiên cứu tìm thấy kinh đô cổ, nhưng tới nay, họ mới công bố chi tiết phát hiện trên các phương tiện truyền thông địa phương. Các nhà nghiên cứu tiết lộ Long Thành có tường kép và hồ chứa nước nhân tạo.


Mảnh vỡ có dòng chữ Hán chỉ tước hiệu Thiền vu. (Ảnh: Xinhua).

"Đây là kết quả hơn một thập kỷ tìm kiếm trung tâm chính trị của nhà nước Hung Nô. Chúng tôi rất vui mừng khi khai quật kinh đô Long Thành", Tumur-Ochir Iderkhangai, phó giáo sư ở khoa Khảo cổ học tại Đại học Ulaanbaatar, Mông Cổ, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết.

Iderkhangai và cộng sự đào được mảnh vỡ của một tấm bảng trang trí phía trước mái nhà với dòng chữ Hán có nghĩa "Con trai của thiên đường vô tận", cụm từ đầy đủ cho tước hiệu Thiền vu để chỉ lãnh đạo tối cao của dân du mục. Tước hiệu này bắt nguồn từ thời nhà Chu (năm 1045 - 256 trước Công nguyên). Theo Iderkhangai, đây là lần đầu tiên họ tìm thấy một đồ vật khắc dòng chữ như vậy.

Đế quốc Hung Nô là liên minh các bộ lạc du mục sinh sống ở phía đông thảo nguyên Á - Âu từ thế kỷ 3 trước Công nguyên tới thế kỷ 1. Nhà nước Hung Nô có mối quan hệ phức tạp với các triều đại Trung Quốc, trong đó việc liên hôn diễn ra xen kẽ với xung đột quân sự và trao đổi lợi ích. Các sử gia vẫn tranh cãi về ngôn ngữ chính của người Hung Nô. Nhiều giả thuyết khác nhau cho rằng họ có thể nói tiếng Iran, Mông Cổ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ural hoặc Enisei.

Tin nổi bật

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất