Sơn siêu trắng phản xạ tới 98% nhiệt từ Mặt trời
Trong khi sơn trắng truyền thống thường phản xạ khoảng 85% bức xạ Mặt trời, loại sơn "siêu trắng" mới có thể phản xạ tới 98%.
Các nhà khoa học đã chứng minh việc sử dụng rộng rãi sơn trắng có thể làm mát đáng kể các tòa nhà và thậm chí cả khí hậu xung quanh.
Loại sơn siêu trắng này phản xạ tới 98% bức xạ trong quá trình thử nghiệm. (Ảnh minh họa).
Sơn phản quang làm từ thủy tinh, sơn trắng có hiệu suất tốt nhất trên thị trường phản xạ khoảng 85% bức xạ mặt trời và hấp thụ phần còn lại.
Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Joule, nhóm các nhà khoa học từ Đại học California, Los Angeles (UCLA) hy vọng sẽ cải thiện điều này bằng cách thực hiện một vài điều chỉnh cho công thức.
Thành phần quan trọng trong sơn trắng làm mát hiện nay là oxit titan, rất hiệu quả trong việc phản xạ phần lớn ánh sáng nhìn thấy và cận hồng ngoại. Tuy nhiên, một thiếu sót là nó hấp thụ tia cực tím và ánh sáng tím cùng một lúc, các nhà khoa học tìm cách cải thiện điểm yếu này.
Hiệu quả của sơn siêu trắng mới (có nhãn E1 và E3) so với sơn hiện tại (E2).
Thông qua việc khám phá các vật liệu thay thế, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc thay thế oxit titan bằng bột cản xạ barit (chứa bari sunfat), cùng với Teflon (còn gọi là hợp chất hóa học polytetrafluoroetylen). Các nhà khoa học cũng giảm số lượng chất kết dính polymer trong sơn, thường dùng để hấp thụ nhiệt.
Những thay đổi trong công thức này đã tạo ra một loại sơn siêu trắng có khả năng làm mát được cải thiện đáng kể, đến mức nó được chứng minh là phản xạ tới 98% bức xạ trong quá trình thử nghiệm.
Loại vật liệu này có thể đóng một vai trò lớn trong việc cắt giảm chi phí làm mát của các tòa nhà, giảm việc sử dụng điều hòa không khí và các hệ thống khác. Và nhóm nghiên cứu khẳng định rằng không mất quá nhiều công sức để triển khai nó trong thực tế.
“Những lợi ích làm mát tiềm năng mà nghiên cứu này có thể mang lại có thể được nhận ra trong tương lai gần bởi vì những sửa đổi mà chúng tôi đề xuất nằm trong khả năng của ngành công nghiệp sơn”, ông Jyotirmoy, học giả sau tiến sĩ của UCLA nói.