Bất ngờ với bức ảnh chụp cận mặt con kiến
Bức ảnh khiến một số cư dân mạng phải thốt lên "kinh dị" thực chất là ảnh chụp cận mặt của một con kiến có độ phóng đại cao và đạt giải trong cuộc thi nhiếp ảnh nổi tiếng.
Khuôn mặt con vật trong bức ảnh có đôi mắt đỏ và những vật trông như những chiếc răng nanh vàng. Hình ảnh này đã thu hút sự chú ý của nhiều cư dân mạng, thậm chí nhiều người cho rằng bức ảnh quá "kinh dị".
Tấm hình chụp cận mặt một con kiến. (Ảnh: Eugenijus Kavaliauskas).
"Hình ảnh từ một bộ phim kinh dị ư? Không. Đó là khuôn mặt thật của một con kiến. Chỉ là một con kiến mà thôi. Từ giờ bạn sẽ nghĩ tới nó cả đêm", một cư dân mạng viết khi chia sẻ tấm hình.
"Giờ hãy tưởng tượng chúng là những con kiến khổng lồ", một người khác chia sẻ.
Đây là bức ảnh cận mặt của một con kiến do nhiếp ảnh gia động vật hoang dã người Lithuania Eugenijus Kavaliauskas chụp và phóng đại 5 lần dưới kính hiển vi, theo CNN.
Nhiếp ảnh gia Kavaliauskas đã đạt một giải thưởng trong cuộc thi nhiếp ảnh Nikon Small World lần thứ 17, cuộc thi tôn vinh nghệ thuật chụp ảnh bằng kính hiển vi, nhờ sự đặc sắc của bức ảnh này, theo NDTV.
Ông Kavaliauskas trước đây là nhiếp ảnh gia về chim trước khi chuyển sang chụp côn trùng. Khi chụp bức hình trên, ông đã sử dụng ánh sáng phản chiếu để chụp cận cảnh con kiến, với đôi mắt đỏ sẫm và biểu cảm có vẻ như đang tức giận.
Tác phẩm của ông Kavaliauskas là một trong 57 "Hình ảnh về Sự Phân biệt" được lựa chọn trong năm nay. Tuy nhận được sự chú ý từ các cư dân mạng, bức ảnh về khuôn mặt của con kiến chỉ đạt giải thưởng nhỏ với phần quà là một vật phẩm Nikon trị giá 35 USD.
Trong khi đó, giải thưởng cao nhất của cuộc thi năm nay thuộc về bức ảnh bàn tay phôi thai tắc kè Madagascar của hai tác giả Grigorii Timin và Michel Milinkovitch, Đại học Geneva (Thụy Sĩ).
Bức ảnh chiến thắng cuộc thi Nikon Small World năm nay đã thể hiện vẻ đẹp đầy mê hoặc dưới lớp vảy đang phát triển trên chi trước của một phôi thai tắc kè Madagascar. Điều thú vị là bức ảnh này được ghép lại với nhau từ hàng trăm hình ảnh khác chụp trong hai ngày bằng kính hiển vi đồng tiêu.
Bức ảnh bàn tay phôi thai tắc kè Madagascar đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Nikon Small World 2022. (Ảnh: Grigorii Timin).
"Bằng việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa công nghệ hình ảnh và sự sáng tạo nghệ thuật, Timin đã sử dụng kính hiển vi có độ phân giải cao để chụp loài tắc kè ngày Phelsuma grandis này", hãng Nikon cho biết.
Ra mắt vào năm 1975, Nikon Small World được xem là diễn đàn nhiếp ảnh hàng đầu thế giới để giới thiệu vẻ đẹp của cuộc sống vi mô dưới lăng kính hiển vi, theo Independent.
Cuộc thi được tổ chức thường niên, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi trên thế giới, bao gồm cả các nhà sinh vật học, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp và những người đam mê chụp ảnh nghiệp dư. Cuộc thi năm nay đã thu hút hơn 1.300 bài dự thi từ 77 quốc gia và kết quả được công bố vào tuần trước.