Bí ẩn những miệng hố khổng lồ liên tục xuất hiện ở Nga
Miệng hố bí ẩn xuất hiện ở Nga có thể do hoạt động bí mật của quân đội, do va chạm của thiên thạch và thậm chí là dấu vết khi hạ cánh của UFO.
Khi miệng hố khổng lồ - nhìn từ trên cao trông giống như một cái lỗ dẫn đến trung tâm Trái đất - lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2013 trên bán đảo Yamal, vùng lãnh nguyên Siberia, đã có nhiều suy đoán về nguồn gốc của nó.
Có quan điểm cho rằng miệng hố bí ẩn này là do hoạt động bí mật của quân đội, do va chạm của thiên thạch và thậm chí là dấu vết khi hạ cánh của UFO.
Ảnh chụp miệng hố ở Siberia vào năm 2014.
Mặc dù không tin vào những suy đoán nói trên nhưng bản thân các nhà khoa học cũng từng cảm thấy sự xuất hiện của chúng là điều khó hiểu.
“Một số đồng nghiệp của tôi nghĩ rằng có thể đó là một thiên thạch, một vụ nổ công nghệ hoặc thử nghiệm vũ khí”, Evgeny Chuvilin, trưởng nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Phục hồi Hydrocacbon của Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo nói với RBTH.
Miệng hố khổng lồ
Các nhà khoa học Nga nghiên cứu hố khổng lồ.
Evgeny Chuvilin vừa hoàn thành chuyến thám hiểm nhằm mục đích đo đạc miệng hố mới hình thành trong lớp băng vĩnh cửu ở Siberia.
Hố mới tình cờ được phát hiện vào mùa hè năm 2020 bởi một đoàn truyền hình Nga khi bay qua lãnh nguyên Siberia.
Nó có độ sâu 30 m và rộng 20 m. Hầu hết các hố tương tự trong khu vực cũng được phát hiện một cách tình cờ bởi những người chăn nuôi địa phương hoặc các nhà khoa học.
Các nhà khoa học đã sử dụng ảnh vệ tinh để ước tính sơ bộ về số lượng miệng hố trong khu vực và miệng hố vừa phát hiện là cái thứ 17.
Các nhà khoa học đã đưa ra những giải thích tương đồng về cách mà các miệng hố được tạo ra.
Về cơ bản, những miệng hố này hình thành khi một lượng đáng kể khí mê-tan lấp đầy các hốc tự nhiên khổng lồ bên dưới mặt đất và phát nổ do tia lửa được tạo ra khi ma sát với đá.
Các nhà khoa học tin rằng, biến đổi khí hậu cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến các vụ nổ tạo nên miệng hố ngày càng nhiều trong khu vực.
Khi nhiệt độ trung bình trong khu vực tăng lên, lớp băng vĩnh cửu không còn vững chắc như trước nữa và ở một số nơi nhất định, nó gánh chịu áp lực từ bên trong lòng đất.
Bề mặt trái đất bị đùn lên thành ụ đất lớn do áp lực từ bên dưới bề mặt và sau đó một vụ nổ đột ngột được kích hoạt giải phóng năng lượng lớn phá hủy lớp này.
Dự đoán vụ nổ tiếp theo
Miệng hố khổng lồ mới nhất xuất hiện vào năm 2020.
Mặc dù các nhà khoa học nắm được quá trình độc đáo này, nhưng họ khó dự đoán được các vụ nổ trong tương lai, điều có thể gây ra những tổn thất về vật chất.
Mặc dù khu vực bị ảnh hưởng bởi các vụ nổ trước đây phần lớn không có người ở, nhưng cơ sở hạ tầng khai thác khí đốt và các cộng đồng địa phương nhỏ vẫn ở xung quanh đó.
Khoa học đang khám phá khả năng một ngày nào đó có thể xác định chính xác các vụ nổ trong tương lai bằng cách xem xét các dấu hiệu trong khu vực.
“Các nhà khoa học nghiên cứu hình ảnh vệ tinh đã phát hiện ra rằng trước khi miệng hố được hình thành, một ụ đất được dồn lên giống như ngọn đồi phát triển nhanh trên bề mặt.
Ngọn đồi lớn dần lên cho đến khi vượt qua một số chỉ số quan trọng và sau đó nó phát nổ. Chúng chủ yếu hình thành ở những khu vực khó tiếp cận và rất khó để quan sát chu kỳ đầy đủ”, Chuvilin nói.
Cho đến nay, các nhà khoa học cần thu thập nhiều mẫu hơn từ mặt đất và chạy thử nghiệm để xác nhận các mô hình hiện có - một quá trình phức tạp bởi thực tế là các miệng hố được nghiên cứu sẽ nhanh chóng biến thành hồ khi nước ngầm lấp đầy chúng sau các vụ nổ.
Các công ty công nghiệp khai thác khí đốt trong khu vực có cơ sở hạ tầng là những cộng sự tiềm năng cho các nhà khoa học nghiên cứu các miệng hố này.
Vì các vụ nổ ngẫu nhiên gây ra một số nguy hiểm cho cơ sở hạ tầng đắt tiền của họ nên các công ty này sẽ vì lợi ích tốt nhất mà giúp thúc đẩy công việc của các nhà khoa học.
“Băng cháy là nguồn năng lượng có triển vọng, chứa nhiều tài nguyên khí hơn đáng kể so với các mỏ thông thường.
Băng cháy gây ra mối nguy hiểm cho việc thăm dò và sản xuất các mỏ hydrocacbon”, một bài báo nghiên cứu trên tạp chí Geoscience nhấn mạnh.