Bí ẩn sinh vật 2 triệu tuổi mang "bàn tay của con người"
Một cá thể được ví như con lai của vượn nhân hình và con người thực thụ vừa được khai quật ở Nam Phi.
Sinh vật được xác định là Australopithecus sediba, một loài thuộc chi Người, nhưng hãy còn mang phần lớn đặc điểm của một vượn nhân hình rất sơ khai. Có thể nói, đây là một họ hàng xa của loài Homo sapiens – người hiện đại chúng ta.
Cận cảnh hài cốt hóa thạch của loài mới thuộc chi người, một sinh vật giao thoa đầy thú vi - (ảnh: Christopher Dunmore).
Theo các nhà nhân chủng học từ Đại học Kent (Anh), cấu trúc bàn tay của hài cốt hóa thạch này, đặc biệt là ngón cái, cho thấy nó vừa thích nghi với việc trèo cây như những chú vượn, vừa thích nghi với việc cầm nắm vật dụng bằng chuyển động chính xác như con người.
Đây là một đặc điểm rất khác với các sinh vật thuộc chi Người vào cùng thời điểm, bao gồm các loài Australopithecus khác. "Cấu trúc xương được hình thành bởi những hành vi thườn xuyên trong cuộc sống. Vì vậy, những phát hiện của chúng tôi có thể hỗ trợ các nghiên cứu sâu hơn về sự tiến hóa cấu trúc bàn tay liên quan đến việc sản xuất và sử dụng công cụ bằng đá" - tiến sĩ Christopher Dunmore, người đứng đầu nghiên cứu, giải thích.
Bàn tay đã mang một số đặc điểm của con người thực thụ - (ảnh: Christopher Dunmore).
Sinh vật này được các nhà khoa học ví như "con lai" giữa 2 thế giới người và vượn người. Rõ ràng, đặc điểm này cho thấy nó đang dần học cách rời bỏ cuộc sống trên cây và thích nghi với mặt đất.
Một điểm thú vị nữa là kênh sinh sản của các cá thể nữ thuộc loài này đã trở nên hẹp hơn so với vượn và vượn nhân hình – cũng là một đặc điểm mượn của con người hiện đại. Những thay đổi ở vùng chậu này giúp việc di chuyển thẳng đứng bằng 2 chân dễ dàng hơn, nhưng cũng khiến việc sinh sản ở người nữ kéo dài và vất vả hơn tổ tiên vượn và vượn nhân hình cổ đại.