Bí mật đằng sau chiếc đuôi kỳ lạ của thằn lằn
Thằn lằn là một trong những sinh vật có khả năng phục hồi xuất sắc nhất. Chỉ trong vòng 1 tháng, chúng có thể mọc lại một chiếc đuôi đã mất mà không có một chút tổn hại gì.
Loài người vẫn luôn tự cho bản thân là một giống loài siêu hạng. Cũng có thể, vì chúng ta là động vật bậc cao, với khả năng tư duy nổi trội.
Thế nhưng cơ thể của con người thực tế lại rất bình thường, đặc biệt là vấn đề hồi phục sau khi bị thương. Chúng ta chỉ có thể hồi phục ở mức cơ bản nhất, chứ nếu như là các thương tổn nặng như mất tay chân, hoặc chấn thương cột sống là buộc phải chịu cảnh tàn phế.
Ở lĩnh vực này, thằn lằn thực sự là một sinh vật siêu đẳng. Mất đuôi - chuyện nhỏ, vì chúng sẽ nhanh chóng mọc thêm một cái mới. Một số loài vật khác như cá ngựa thậm chí có thể hồi phục tim và cột sống.
Tắc kè có thể tái sinh đuôi bằng cách kích hoạt một nhóm các tế bào gốc khi đuôi bị mất.
Khả năng đặc biệt ấy đã được khoa học chú ý từ rất lâu. Và gần đây, con người mới chính thức hiểu hơn về bí mật đằng sau đó, và điều này được cho là sẽ giúp ích rất nhiều cho y học trong tương lai.
"Với khoa học, đây là dạng hồi phục tối thượng" - trích lời Matthew Vickaryous, một chuyên gia sinh học từ ĐH Guelph (Canada).
Vickaryous cho biết, có một loài thằn lằn khiến ông rất ấn tượng: đó là tắc kè da báo. Đầu tiên, đuôi của chúng chứa một phần rất lớn cột sống trong đó. Thứ 2, chúng có khả năng tách đuôi với tốc độ cực kỳ nhanh, do đó việc nghiên cứu nó là cực kỳ dễ dàng.
"Chúng tôi đơn giản chỉ cần bấu chắc vào đuôi chúng, và nó tự rụng ra" - Vickayous chia sẻ. Trong khi đó những loài thằn lằn khác thì khó rụng hơn.
Ngoài ra, một khi mất đuôi, tắc kè da báo có thể mọc lại chỉ trong vòng chưa đầy một tháng - một quãng thời gian nhanh hơn đáng kể so với các loài bình thường.
Dựa trên các nghiên cứu trước kia, các chuyên gia xác định rằng một số dạng tế bào gốc có thể liên quan đến khả năng này. Đó là các dạng tế bào cơ bản nhất, có thể dùng để chuyển biến thành các dạng tế bào phức tạp hơn: da, cơ, thậm chí là tim.
Để xác nhận, Vickaryous đã thử quan sát điều gì sẽ xảy ra với đuôi của tắc kè ở cấp độ tế bào. Ông phát hiện ra rằng khi đuôi bị ngắt ra, một nhóm tế bào thần kinh đệm thuộc nhóm tế bào gốc cũng xuất hiện. Chúng nhanh chóng nhân bản, tích lũy protein. Chỉ trong vòng 1 tháng, quá trình này cho ra kết quả là một cái đuôi mới.
Thế nhưng, phát hiện bất ngờ nhất đó là khi đuôi rụng, các cục máu đông nhanh chóng xuất hiện, bọc lấy vết thương. Nếu gắn một mẩu da vào khu vực máu đông hình thành, cái đuôi mới sẽ không xuất hiện nữa.
Các chuyên gia tin rằng việc để vết thương hở ra sẽ phát đi tín hiệu, thông báo rằng có thứ gì đó cần được thay thế. Nếu như bịt kín vết thương, tín hiệu sẽ bị ngăn trở, và khả năng mọc đuôi cũng không thể hoạt động được.
Vickaryous cho biết, chúng ta có thể áp dụng điều này trong y học của con người. Khi các bệnh nhân bị chấn thương cột sống, chúng ta sẽ thấy một lớp mô mỏng bọc xung quanh vết thương. Đó chính là sẹo, xuất hiện với mục đích giảm khả năng viêm nhiễm. Nhưng theo Vickaryous, quá trình này có thể vô tình khiến các mô cột sống không được phục hồi.
Chỉ cần bấu nhẹ, đuôi của thằn lằn lập tức rụng.
Rõ ràng, loài tắc kè không hình thành sẹo, và chúng vẫn sống khỏe. "Không có sẹo có thể là yếu tố cho phép chúng tự mọc lại thân thể".
Vậy tại sao con người lại mọc sẹo khi bị thương, thay vì tạo ra các tế bào mới? Thực chất, đây là một câu hỏi chưa được giải đáp.
Trên thực tế, tế bào thần kinh đệm cũng cực kỳ phong phú trong não bộ và cột sống của con người ở giai đoạn bào thai. Nhưng đến khi chúng ta phát triển hoàn toàn, lượng tế bào này đã biến mất. Theo Vikaryous, đây có thể là lý do khiến chúng ta không thể tự chữa lành các chấn thương liên quan đến cột sống - đơn giản là vì không có đủ tế bào để làm chuyện đó.
Với phát hiện này, giờ đây nhóm chuyên gia đang chuẩn bị giải quyết một câu hỏi còn lớn hơn thế. Liệu tái cung cấp các tế bào thần kinh đệm vào cột sống có thể ngăn quá trình hình thành sẹo, đồng thời tăng khả năng hồi phục cho con người?
Ý tưởng này không hoàn toàn vô lý, vì loài tắc kè có thể liên tục tái sinh chiếc đuôi cho đến cuối đời, chỉ nhờ các tế bào như vậy. Ngoài ra, các chuyên gia đang muốn tìm hiểu cơ chế hồi phục các bộ phận khác của tắc kè - bao gồm tế bào não nữa.
Tất nhiên, có thể vẫn còn quá sớm để cho rằng con người sẽ mọc lại được tay chân trong tương lai. Nhưng thực sự, niềm tin cũng được củng cố rất nhiều qua thời gian.