Biến đổi khí hậu phá hủy mặt đất, khiến con người không còn nơi trú chân?
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà khoa học tính đến khả năng Trái Đất có thể mất đi lớp đất trên bề mặt do nứt vỡ và sụt lún.
Biến đổi khí hậu đang làm thay đổi cuộc sống của chúng ta theo những cách vô cùng khó tin, nhưng có bao giờ bạn nghĩ rằng chúng có thể làm tiêu biến mặt đất, và khiến con người không con nơi trú chân?
Các nhà khoa học điều tra tình trạng sụt lún, xói mòn tại bờ biển do lớp băng vĩnh cửu tan chảy gần Bán đảo Bykovsky, Siberia, Nga (Ảnh: AWI).
Một viễn cảnh như thế hoàn toàn có thể xảy ra, dựa trên thực tế là tình trạng xói mòn đang phá hủy các vùng bờ biển tại khu vực Bắc Cực. Nguyên nhân là do sự ấm lên của Trái Đất, dẫn đến đất bị nứt vỡ và sụt lún. Các nhà khoa học tin rằng quá trình này có thể gây nguy hiểm cho các cơ sở hạ tầng quan trọng và đe dọa sự an toàn của con người trong tương lai.
Không chỉ vậy, quá trình này còn giải phóng carbon tích trữ trong đất vào đại dương, vô hình chung làm thay đổi vai trò của Bắc Băng Dương như một kho lưu trữ carbon và khí nhà kính, góp phần làm gia tăng thêm nữa biến đổi khí hậu.
Bằng cách kết hợp các mô hình tính toán địa chất, các nhà khoa học tại Đại học Hamburg (Đức) đã lần đầu tiên xác định được mức độ "tiêu biến" của mặt đất tại các bờ biển ở Bắc Cực. Đây được xem là một đột phá trong nghiên cứu, vì trước đây, khoa học vẫn còn thiếu những hiểu biết sâu sắc về mức độ ảnh hưởng của sụt lún cho các mảng địa chất trong tương lai.
"Nếu lượng phát thải khí nhà kính không được kiểm soát mà tiếp tục tăng, tỷ lệ sụt lún đất vào năm 2100 có thể lên đến khoảng 3 mét vuông mỗi năm, tương đương với hàng triệu tấn carbon được thải ra", TS. David Nielsen, tác giả chính của nghiên cứu cho biết.
Cũng theo TS. Nielsen, sẽ ngày càng có nhiều diện tích đất bị mất đi, tùy thuộc vào khả năng kiểm soát hiệu ứng nhà kính, cũng như mức nhiệt đang có chiều hướng tăng lên của Trái Đất.
Mặc dù khẳng định "sẽ không thể ngăn chặn hoàn toàn việc mất đất hàng loạt", song nghiên cứu mới vẫn cung cấp thông tin quan trọng cho việc bảo vệ bờ biển, và lập kế hoạch chính trị, xã hội ở các vùng bị ảnh hưởng.
"Phát hiện của chúng tôi cho thấy sự chuyển dịch theo hướng bền vững hơn và phát thải khí nhà kính thấp hơn đáng kể có thể làm chậm sự tăng tốc sụt lún trong nửa sau của thế kỷ này", TS. Nielsen cho biết.