Biển ngoài hành tinh sâu 100 mét ở thế giới y hệt Trái đất cổ đại
NASA vừa công bố nghiên cứu từ những dữ liệu gây sốc mà tàu vũ trụ Cassini đã thu thập được trong chuyến du hành đến mặt trăng Titan của sao Thổ.
Biển Kraken Mare - (ảnh đồ họa từ NASA).
Nghiên cứu công bố trên Journal of Geophysical Research: Planets tiết lộ họ đã tìm thấy một vùng biển hoàn toàn nằm ở bề mặt của thiên thể, giống như biển của Trái đất, tuy nhỏ hơn và độ sâu chỉ 100 mét. Phân tích rõ ràng hơn, dưới biển không phải là nước mà là methane (CH4) lỏng. Theo tiến sĩ Valerio Poggiali từ NASA, vùng biển được đặt tên Kraken Mare này là biển lớn nhất từng được phát hiện trên mặt trăng Titan.
Vùng biển mới đã đem lại phát hiện quý giá liên quan đến thành phần nước biển. Gọi là "biển methane lỏng", nhưng hỗn hợp khí lỏng này pha cả etan (C2H6). Điều này cho thấy bầu khí quyển của hành tinh cũng ngập đầy những khí này, với methane chiếm ưu thế.
Bản đồ các vùng biển trên Titan với Kraken Mare là lớn nhất - (Ảnh: NASA).
Điều đặc biệt ở đây là các đặc điểm này giống y hệt Trái đất cổ đại. methane và etan đã được tìm thấy trong trầm tích cổ dưới đáy biển. Nhiều nghiên cứu, trong đó có công trình phối hợp giữa Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực NASA, Đại học Maryland, Đại học St.Andrews (Mỹ), Đại học Leeds và Viện không gian Blue Marble năm 2017 cho thấy bầu khí quyển của Trái đất cổ đại đầy methane. Thậm chí, có bằng chứng cho thấy sự sống sơ khai dạng vi sinh vật đã ra đời trong môi trường độc hại này, trước khi Trái đất trải qua thời kỳ oxy hóa mạnh mẽ và mở đường cho sự sống tiến hóa theo kiểu của ngày nay.
Vì vậy, Titan có thể không chỉ là một "mặt trăng sự sống" như NASA mong đợi, mà còn là một phòng thí nghiệm vượt thời gian giúp nghiên cứu về những gì từng xảy ra trên Trái đất sơ khai. Nói trên Sci-News, các nhà khoa học NASA tiết lộ kế hoạch về một chiếc tàu ngầm được đưa lên mặt trăng này để nghiên cứu biển Kraken Mare.