Bọ chết kẹt trong hổ phách 99 triệu năm cùng phấn hoa
Mảnh hổ phách được phát hiện ở Myanmar cho thấy bọ cánh cứng giúp cây tuế thụ phấn từ thời khủng long.
Các nhà khoa học phát hiện xác bọ cánh cứng thuộc họ Boganiidae trong mảnh hổ phách khoảng 99 triệu năm cùng những hạt phấn hoa của thực vật ngành tuế ở Myanmar, Phys hôm 16/8 đưa tin. Con bọ có một số điểm đặc biệt nhằm thích ứng với hoạt động thụ phấn như khoang hở ở hàm dưới để vận chuyển phấn hoa.
Thực vật có hoa hay hạt kín thường dựa vào côn trùng và các loài vật khác để thụ phấn. Tuy nhiên, có thể ngành tuế thuộc thực vật hạt trần mới là nhóm cây đầu tiên làm như vậy.
Xác bọ cánh cứng cổ đại được tìm thấy ở Myanmar. (Ảnh: Chenyang Cai).
Hạt phấn hoa kẹt trong hổ phách cùng bọ cánh cứng. (Ảnh: Chenyang Cai).
"Bọ Boganiidae giúp cây tuế thụ phấn từ đại Trung sinh. Phát hiện của chúng tôi chỉ ra, có thể việc bọ cánh cứng vận chuyển phấn hoa cho cây tuế xuất hiện từ thế Jura sớm, rất lâu trước khi thực vật hạt kín bắt đầu thống trị và những loài thụ phấn cho chúng như ong phát triển vào kỷ Phấn Trắng", Chenyang Cai, nhà nghiên cứu tại Đại học Bristol, cho biết.
Khi được nhà khoa học Diying Huang tại Viện Địa chất và Cổ sinh vật học Nam Kinh, Viện Khoa học Trung Quốc, cho xem con bọ trong hổ phách lần đầu, Cai lập tức thấy hứng thú. Ông nhận ra cấu tạo hàm dưới của nó có thể phù hợp với việc mang phấn hoa.
Sau khi cắt gọt và làm bóng mẫu vật để quan sát dễ hơn dưới kính hiển vi, Cai phát hiện con bọ mang theo một ít hạt phấn. Cai hỏi ý kiến của Liqin Li, chuyên gia về phấn hoa cổ đại ở Viện Khoa học Trung Quốc. Li xác nhận chúng thuộc về cây tuế. Các nhà nghiên cứu cũng tiến hành phân tích phát sinh chủng loại và nhận thấy con bọ có họ với bọ Paracucujus Australia, sinh vật thụ phấn cho cây Macrozamia riedlei thuộc ngành tuế.
Nghiên cứu mới cùng sự phân bố của bọ Boganiidae hiện nay khiến Cai cho rằng vẫn còn những loài bọ thụ phấn tương tự chưa được phát hiện. Ông đã tìm kiếm chúng trong 5 năm qua và gặp phải nhiều khó khăn.