Bộ lông của loài vật này chói lòa màu hồng dưới tia UV và đây là lý do nó rất đặc biệt
Với các loài động vật thông thường thì đây là màu sắc gần như rất ít gặp, vì nhiều loài có khả năng nhìn thấy ánh sáng cực tím.
Sóc bay (flying squirrel) vốn là một loài vật có vẻ ngoài cực kì đáng yêu với bộ lông nâu sẫm đặc trưng, cùng khả năng bay lượn giữa không trung với khoảng cách lên đến 300m.
Nhưng chưa hết, loài sóc bay còn cho chúng ta một bất ngờ nữa mà không phải ai cũng nghĩ đến: Một bộ lông "vi diệu" có thể biến thành màu...hồng dưới đèn huỳnh quang UV. Đây thực sự là một điều rất hiếm gặp trong tự nhiên, đặc biệt là với các loài động vật có vú. Đơn giản là vì nhiều loài vật có khả năng nhìn được ánh sáng cực tím, mà màu hồng ánh lên như vậy là quá lộ liễu.
Sóc bay.
Từ đâu mà khoa học lại phát hiện được trường hợp này thế? Đó là một trường hợp rất tình cờ của giáo sư Jon Martin khi khám phá hệ sinh thái ở các tán cây.
"Người đồng nghiệp của tôi, Jon Martin, giáo sư sinh học trường ĐH Northland đã khám phá khu rừng gần trường về đêm với một cây đèn chiếu tia UV. Martin muốn tìm kiếm thêm thông tin về hệ sinh thái ở tán cây: như địa y, nấm, các loài ếch..." - Peula Spaeth Anich, học giả nghiên cứu kiêm phó giáo sư khoa Tài nguyên tự nhiên của Northland College cho biết
"Trong một lần tình cờ nghe tiếng động của loài sóc bay, ông đã chiếu đèn sáng vào chúng và bất ngờ trước hình ảnh bộ lông đã phát quang thành màu hồng".
Sau phát hiện này, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thực nghiệm ngay trên 100 cá thể khác nhau thuộc 3 chi Glaucomys: chi phía Đông Bắc, Đông Nam và Humboldts.
Theo kết quả của nghiên cứu này (được báo cáo trên Journal of Mamalogy), 99% cá thể đều có bộ lông phát hồng dưới ánh đèn huỳnh quang UV dù là con đực hay con cái. Điều này trái ngược hoàn toàn với bộ lông của chúng khi nhìn bằng mắt thường.
Bộ lông "vi diệu" có thể biến thành màu...hồng dưới đèn huỳnh quang UV.
Câu hỏi về nguyên nhân bộ lông của loài sóc bay lại phát ra màu hồng đáng yêu này đã được các nhà khoa học đặt ra. Tuy nhiên, câu trả lời vẫn chưa được giải đáp một cách chính xác.
Giả thuyết khả thi nhất có thể kể đến đó là việc thu hút bạn tình trong môi trường về đêm. Tương tự như cách dùng lông vũ để thu hút bạn tình của chim công, bộ lông của loài sóc chuột có thể xem như "nam châm" để gây ấn tượng với cá thể khác phái khi môi trường xung quanh khá hạn chế về ánh sáng.
Một số giả thiết khác cũng được đưa ra, chẳng hạn như để ngụy trang dưới các loài địa y phát sáng (như các loài cá sinh sống gần rạn san hô) hay đơn giản chỉ để làm... lóe mắt thú săn mồi.
Các nghiên cứu sâu hơn có thể sẽ giúp chúng ta tìm được câu trả lời cụ thể, còn bao lâu nữa thì phải tùy vào khoa học mà thôi.