"Bóng ma" phát sáng đi giữa những đám mây ở Pháp
Hiện tượng hiếm gặp tạo ra bóng hình người tỏa hào quang và di chuyển giữa những đám mây lọt vào ống kính một nhiếp ảnh gia.
Florian Clément quan sát thấy "bóng ma" trong khi đi dạo trên đỉnh Pilat, đụn cát cao nhất châu Âu ở Pháp, Mirror hôm 2/2 đưa tin. Nhiếp ảnh gia 20 tuổi nhanh tay ghi lại cảnh tượng trong khi hình bóng bí ẩn đi theo mỗi bước chân của anh. Đây là hiệu ứng Brocken Spectre hay còn gọi là "bóng ma núi", gây ra bởi bóng của người quan sát, tạo ra hình người giữa vầng hào quang đi giữa đám mây.
Clément cho biết hiệu ứng Brocken Spectre là một hiện tượng thiên nhiên rất hiếm gặp. Hiện tượng này làm cho bóng của người quan sát bị phóng to đến kích thước khổng lồ và đổ bóng lên một đám mây có mật độ phù hợp, sinh ra hào quang giống như cầu vồng.
"Hiện tượng này từng được quan sát cách đây hai năm ở chính nơi đây, nhưng tôi chỉ mới xem vài bức ảnh. Nó xuất hiện như một chiếc bóng phóng to đặc biệt phủ lên lớp sương mù và bao quanh là cầu vồng hình tròn. Hiện tượng Brocken Spectre quen thuộc hơn với các phi công, những người có nhiều khả năng trông thấy hơn", Clément nói.
Hiệu ứng Brocken Spectre là một hiện tượng thiên nhiên rất hiếm gặp.
Hiện tượng được đặt tên theo một đỉnh núi thuộc dãy Harz ở Đức, nơi nó gây sợ hãi cho những người leo núi suốt nhiều thế kỷ. Chiếc bóng thường có vẻ đồ sộ bởi bóng của người quan sát chiếu lên những giọt nước ở nhiều khoảng cách khác nhau so với mắt, làm rối loạn nhận thức về độ sâu.
"Bóng ma" luôn có hình tam giác do tầm nhìn, đồng thời có thể di chuyển khá đột ngột do chuyển động của lớp mây. Hiện tượng được Johann Silberschlag mô tả lần đầu tiên năm 1780.